Giải pháp thu hút đầu tư và ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào sản xuất lúa gạo

Hiện Nhật Bản là đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, cần thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp số, cơ giới hóa và khởi nghiệp nông nghiệp bền vững.

Nội dung trên được chia sẻ tại Hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số (CÐS), chuyển đổi xanh thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án 1 triệu héc ta lúa CLC) do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 14/2.

thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-2-1739584563.jpg
Quang cảnh Hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030. (Ảnh BTC)

Thu hút đầu tư và ứng dụng công nghệ thực hiện đề án chuyên canh lúa chất lượng cao

Hội nghị là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức hợp tác quốc tế và các HTX thảo luận về giải pháp thu hút đầu tư và ứng dụng công nghệ CÐS, chuyển đổi xanh vào sản xuất lúa gạo nhằm thực hiện thắng lợi Ðề án 1 triệu héc ta lúa CLC.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn cùng các bên có liên quan, nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ giúp CÐS, chuyển đổi xanh khu vực HTX và phục vụ liên kết chuỗi để thực hiện Ðề án 1 triệu héc ta lúa CLC là rất lớn và cần nguồn kinh phí lớn, với sự tham gia của khoảng 2 triệu hộ nông dân trồng lúa, 1.230 HTX, tổ hợp tác và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư và khả năng tiếp cận các công nghệ mới của nhiều hộ dân, HTX và doanh nghiệp còn hạn chế...

Tại hội nghị, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, đơn vị, doanh nghiêp và tổ chức quốc tế cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình triển khai Ðề án 1 triệu héc ta lúa CLC. Ðánh giá về nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ trong CÐS và chuyển đổi xanh trong HTX và chuỗi liên kết. Giới thiệu các công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm hỗ trợ HTX tối ưu hóa sản xuất. Các đại biểu trao đổi, thảo luận về cơ hội hợp tác, đầu tư và đề xuất các giải pháp nhằm tăng thu hút đầu tư vào ngành lúa gạo…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) cho biết, Đề án giữ vai trò nòng cốt của sản xuất lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao với mục tiêu tổ chức lại sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Cùng với đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện các trung tâm hậu cần và đổi mới sáng tạo, đồng thời cải tiến các gói kỹ thuật dựa trên kỹ thuật 1 phải 5 giảm. Đồng thời, hỗ trợ tái tổ chức sản xuất nông hộ thông qua tăng cường các tổ chức nông dân và hợp tác xã.

thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-4-1739584550.jpg
Đề án 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao với mục tiêu tổ chức lại sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân về canh tác bền vững, quản lý trang trại, áp dụng công nghệ kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan khác bao gồm giám sát, báo cáo và thẩm định tín chỉ các bon. Ngoài ra huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật trong nước và quốc tế, bao gồm Quỹ hỗ trợ khí hậu và các bon (RBC/CF) dựa trên kết quả, để hỗ trợ sản xuất lúa gạo các bon thấp và thực hiện hệ thống MRV để cấp tín chỉ carbon cho các vùng trồng lúa các bon thấp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam Lê Thanh Tùng cho biết, trong đề án hướng tới phát triển thị trường gạo các bon thấp, bao gồm xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho gạo các bon thấp của ĐBSCL cũng như gạo các bon thấp của Việt Nam; cải thiện hệ sinh thái trong nước để hỗ trợ chuyển đổi ngành lúa gạo chất lượng cao và các bon thấp, bao gồm khả năng tiếp cận tài chính cơ chế chi trả các bon dựa trên kết quả, cơ chế chia sẻ lợi ích.

"Đề án 1 triệu ha khi chúng ta áp dụng thì giảm được 50% lượng giống, giảm được 30% lượng phân đạm, giảm được 30% thuốc bảo vệ thực vật, giảm đổ ngã, giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm phát thải trung bình 5 – 6 tấn carbon quy đổi đơn vị ha/vụ và đồng thời tăng lợi nhuận 5 triệu đồng/ha. Điều này chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các tiêu chí về kỹ thuật, về công nghệ, về thương mại ở trong đề án này và sự liên kết sản xuất doanh nghiệp với các HTX" - ông Tùng cho biết thêm.

Doanh nghiệp, hợp tác xã phải gắn kết với nhau, hình thành chuỗi giá trị

Theo Cục kinh tế hợp tác – Bộ NN&PTNT, nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ giúp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh rất lớn. Trong đó, các HTX đóng vai trò quan trọng để tập hợp nông dân, tổ chức sản xuất và kinh doanh lúa gạo. Để hình thành chuỗi giá trị nông sản minh bạch, hiệu quả, quảng bá được thương hiệu thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải gắn kết với nhau, hình thành chuỗi giá trị.

Cùng với đó công nghệ phải đảm bảo quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Trong đó các công nghệ cần thiết gồm: theo dõi, đánh giá tình trạng ngập nước và khả năng gieo sạ; quản trị nước; cấy xạ; tiêu thụ sản phẩm; quản lý dịch hại; truy xuất nguồn gốc.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ NN&PTNT cho biết, nhu cầu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong các hợp tác xã rất lớn, ước tính khoảng 2 triệu hộ nông dân và 1.230 hợp tác xã và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Các công nghệ số như nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc, đánh giá quản trị nước sẽ được triển khai.

Hiện Nhật Bản là đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, cần thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp số, cơ giới hóa và khởi nghiệp nông nghiệp bền vững.

thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-1-1739584659.jpg
Liên minh HTX Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Sorimachi Nhật Bản.(Ảnh BTC)

Theo ông Thịnh: "Tập đoàn cùng với chúng tôi xây dựng bộ dữ liệu Gig Data về HTX vùng ĐBSCL, phục vụ trước mắt cho 1 triệu ha lúa. Đề nghị Sorimachi đã hợp tác rất là nhiều với bên chúng tôi làm đầu mối tiếp tục thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa này nói riêng và phát triển kinh tế tập thể HTX trên cơ sở cả nước nói chung.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm doanh nghiệp Nhật Bản là doanh nghiệp số, doanh nghiệp cơ giới hóa và các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững sẽ tham gia vào đây".

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Ðể thực hiện Ðề án, rất cần vai trò của HTX, cũng như việc ứng dụng phần mềm, công nghệ số vào quản trị HTX, ứng dụng trong giám sát sản xuất và trong liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong đo đếm phát thải khí nhà kính… Do vậy, rất cần có sự tham gia đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp để tối ưu hóa các công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân và cả chuỗi ngành hàng lúa gạo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT mong tới đây các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tiếp tục cùng đồng hành cùng Ðề án và tăng cường các hoạt động đầu tư, hợp tác, cùng phối hợp các bộ ngành và địa phương để triển khai các hợp phần của Ðề án…/.

Bình Nguyên