Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi

Ngày 19/11, tại Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi”.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 6 điểm cầu, gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội và Hòa Bình (2 điểm cầu).

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình, Vương Đắc Hùng cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh Hòa Bình có sự chuyển biến tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động hiệu quả.

Song, ngành chăn nuôi của tỉnh còn chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường... Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn chậm, chưa đồng bộ. Sản xuất theo chuỗi quy mô còn nhỏ; năng lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều; thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không ổn định.

Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Hòa Bình đang hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó tập trung thực hiện tốt các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh về chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống vật nuôi; tổ chức quản lý sản xuất, phát thị trường sản phẩm chăn nuôi; tăng cường năng lực Nhà nước, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và kiểm soát môi trường trong chăn nuôi.

9-2-1122-20201211-235-101243-1637367968.jpeg
Hòa Bình đang hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn
 
 

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng như các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đã đề xuất các giải pháp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng, các tỉnh trong khu vực nói chung hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh; hướng tới sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế vào các hoạt động chăn nuôi. Gia tăng tỷ trọng đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân vùng nông thôn miền núi.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, hàng năm ngành chăn nuôi Việt Nam tạo ra khoảng hơn 60,6 triệu tấn chất thải rắn động vật, đây là một lợi thế lớn cho việc phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Một số trang trại chăn nuôi lợn, bò thịt đã và áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn khép kín rất hiệu quả từ các khâu như: sản xuất thức ăn; trang trại; thực phẩm và phân bón hữu cơ... (gọi là hệ thống chăn nuôi tuần hoàn 4F). Hệ thống này nếu được áp dụng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho sự phát triển chăn nuôi bền vững ở cả góc độ kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên cả nước đạt trên 4,7 triệu tấn, trên 12 tỷ quả trứng và gần 900 ngàn tấn sữa; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%. Tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con, tăng 5%; gia cầm 523 triệu con, tăng 4,4%; đàn bò gần 6,3 triệu con, tăng 1,8%... Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 16,7 triệu tấn, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Hiện, cả nước có 10.082.451 hộ chăn nuôi và 21.805 trang trại chăn nuôi.

Tại diễn đàn các hộ chăn nuôi, các đơn vị doanh nghiệp tại các điểm cầu đã có cơ hội trao đổi, chia sẻ về thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã giải đáp những vướng mắc của người dân, tham gia đóng góp ý kiến để làm rõ cơ sở khoa học và cung cấp thông tin có tính đa chiều, thực tiễn giúp cho các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tự tin để áp dụng vào quá trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi tại địa phương mình./.