Giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam

Nhằm trao đổi kiến thức về các đổi mới trong sản xuất lúa chất lượng cao và các-bon thấp ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đồng tổ chức hội thảo tham vấn “Các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam” tại Hà Nội ngày 28 tháng 3 năm 2023.
hoi-nghi-tham-van-1680057654.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Tham gia hội thảo có các cán bộ và chuyên gia từ Bộ NN&PTNT và các cơ quan trực thuộc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, IRRI và các trung tâm khác thuộc CGIAR, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, hợp tác xã, và các tổ chức liên quan.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây ổn định ở mức 24-25 triệu tấn – đóng góp hơn 50% tổng lượng gạo sản xuất và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 1,5 triệu nông hộ, góp phần quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.

thu-truong-tran-thanh-nam-1680057752.jpg
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế, tiềm ẩn những yếu tố không bền vững về mặt kinh tế - xã hội và môi trường như: hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp; chất lượng và khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu còn hạn chế; quá trình chuyển đổi đất trồng lúa chưa hiệu quả do thiếu đồng bộ; sử dụng chưa hợp lý, dư thừa vật tư đầu vào; diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp do tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông; cũng như phần lớn các hộ sản xuất lúa có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất theo kỹ thuật canh tác truyền thống.

Nhằm giải quyết các thách thức, hạn chế trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách và chương trình như Nghị quyết số 120/NQ-CP của Bộ NN&PTNT về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, và mới đây là Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, theo định hướng tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Mục tiêu là nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL theo hướng hiện đại, đáp ứng đa mục tiêu là: nâng cao giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Bas Bouman, Giám đốc nghiên cứu và Trưởng ban Tác động Bền vững của IRRI, cho biết: Nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo ở châu Phi và châu Á hiện đang phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm mặn, lũ lụt bất thường gây mất mùa. Đồng thời, lúa gạo cũng gây ra lượng khí thải carbon cao từ các cánh đồng bị ngập nước liên tục, sử dụng nhiều đầu vào (ví dụ: hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu và năng lượng), đốt và ủ rơm rạ cũng như thất thoát sau thu hoạch. Những vấn đề nói trên cũng là trường hợp của Việt Nam. Do đó, mục tiêu cuối cùng của Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) là tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp và sản xuất bền vững. Những mục tiêu này sẽ được hỗ trợ bởi các đổi mới thích ứng với biến đổi khí hậu, canh tác chính xác và cơ giới hóa.

Phù hợp với tầm nhìn nói trên, IRRI và các đối tác toàn cầu và quốc gia hiện đang hỗ trợ nâng cao năng lực của các đối tác quốc gia để nâng cấp chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, phát thải thấp và bền vững; và hy vọng chúng tôi sẽ hỗ trợ đáng kể cho Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, theo định hướng tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp đồng bộ về chọn tạo giống lúa chất lượng cao với áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

cac-dai-bieu-tham-du-hoi-nghi-1680057804.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo.