Giá xăng tăng lên mức cao nhất trong khoảng 7 năm trở lại đây, hơn 24.000 đồng/lít xăng RON95 và hơn 23.000 đồng/lít xăng E5RON92 đã khiến nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải rơi vào tình trạng khó khăn. Với sức ép từ giá cước vận tải, nhiều mặt hàng tiêu dùng khó tránh khỏi tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh và nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước tăng là do giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10 tăng khoảng 10,4% với xăng RON92, xăng RON95 tăng hơn 11,2%, các mặt hàng dầu tăng 7-8%.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho hay, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi 100 - 2.000 đồng/lít/kg, nên trong kỳ điều hành lần này, nếu không tăng chi quỹ bình ổn giá (BOG) đối với xăng E5RON92 và không chi quỹ BOG đối với xăng RON95 thì giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.
Tuy nhiên, liên Bộ vẫn quyết định tăng chi sử dụng quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 là 1.100 đồng/lít, chi sử dụng quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít... Nhờ vào việc sử dụng công cụ quỹ BOG nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Dù vậy, mức tăng của giá xăng dầu đã khiến nhiều doanh nghiệp và lái xe phải chịu áp lực nặng nề. Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng – chuyên vận tải hàng hóa tuyến Bắc – Nam cho hay, thời điểm dịch bệnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong di chuyển giữa các tỉnh, thành phố. Đến nay, việc lưu thông cơ bản đã trở lại thì giá xăng liên tục tăng sốc. Điều này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, buộc đơn vị phải tính toán lại cước vận tải trong thời gian tới cho phù hợp.
Hiện giá xăng đã tăng cao hơn thời điểm đầu năm khoảng 7.000 đồng/lít, tương đương 30% (từ 17.000 đồng lên 24.000 đồng/lít với giá xăng và 12.600 đồng lên 18.700 đồng/lít với giá dầu). Đây là mức tăng kỷ lục mà các doanh nghiệp vận tải phải gánh chịu.
Cũng theo ông Lương Quốc Vy, đại diện hãng Taxi Thanh Nga cho hay, giá xăng tăng mạnh tác động đến cả nền kinh tế và đời sống xã hội, kinh doanh của các doanh nghiệp. Giá xăng chiếm tới 40% trong cấu thành giá cước vận tải nên việc xăng liên tiếp tăng mạnh thời gian qua khiến doanh nghiệp gặp khó. Bởi, giá cước không thể tăng theo giá xăng, trong khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với các đơn vị xe công nghệ khác nên rất khó khăn.
Anh Nguyễn Anh Tú, lái xe sân bay tuyến Hà Nội – Nội Bài cho biết: “Với mức giá xăng hiện tại, chúng tôi chạy gần như không được ra bao nhiêu. Mỗi lượt đi – về khoảng 60 km, lái xe thu được khoảng 400.000 đồng; chi phí tiền xăng xe mất 1 nửa, còn lại là ăn uống, tiền sân bãi là vừa hết. Lượng khách đi sân bay ít, trong khi giá xăng dầu, tiền bãi đỗ đều tăng. Tôi và nhiều anh em đã phải tạm nghỉ chạy”.
Trao đổi nhanh với phóng viên TTXVN, đại diện Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho rằng, giá xăng tăng mạnh không phải yếu tố bất ngờ với các doanh nghiệp. “Chúng tôi đã lường trước viêc này do giá dầu thế giới tăng cao. Giá xăng chiếm khoảng 40% cơ cấu giá cước vận tải, vì vậy, xăng liên tục tăng khiến nhiều nhà xe rất khó khăn. Dịch bệnh khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, xe cũng không được chạy đầy tải. Nhiều đơn vị trong hiệp hội có những thời điểm đã phải cho xe “đắp chiếu” nằm chờ”.
Để giải tỏa bớt khó khăn cho doanh nghiệp, ông Bùi Danh Liên cho rằng, các bộ, ngành cần phải có giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, với tình hình này, nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp càng chạy càng lỗ. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá của liên Bộ là rất kịp thời trong bối cảnh hiện nay, nhưng cần minh bạch hơn về các thông tin sử dụng quỹ, công khai các thông tin đến việc xuất – nhập khẩu sản phẩm xăng dầu; đồng thời, tiến tới mở cửa thị trường xăng dầu đề nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu, phân phối.
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Danh Liên cho rằng, trước mắt, cần cố gắng cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết để tồn tại, sau đó có thể là tăng cước, bởi công viêc này sẽ không phải có thể là trong một sớm một chiều. Doanh nghiệp sẽ phải đàm phán với đối tác, kê khai, niêm yết giá với cơ quan quản lý…
Giá xăng tăng đã có tác động đến các mặt hàng tiêu dùng. Tại một số chợ Hà Nội, nhiều tiểu thương cho biết giá tăng mạnh so với thời điểm giữa năm. Khảo sát tại chợ Mơ, giá hành lá hiện ở mức hơn 30.000 đồng/kg (tăng hơn 5.000 đồng so với tháng 7/2021), cà chua trên 30.000 đồng/kg; cá rô phi 60.000-80.000 đồng/kg tùy kích cỡ, tăng khoảng 15.000 đồng/kg; thịt gà 120.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; ốc nhồi 130.000 đồng/kg, tăng 25.000-30.000 đồng/kg so với giữa năm…
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ hàng phở Hằng tại Bạch Mai cho biết, giá các mặt hàng nguyên liệu đều tăng mạnh, nhưng cửa hàng không thể tăng giá vì lý do giữ khách. Sau dịch, nhu cầu người dân, thu nhập giảm, nếu cửa hàng té nước theo mưa tăng giá thì sẽ mất dần lượng khách.
Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cho biết, với chi phí vận tải tăng cao, cùng với đó, nguồn cung hạn chế do thời tiết bước vào đợt lạnh cuối năm, mưa bão, nhu cầu tăng về cuối năm, giá cả sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới. Giá xăng, dầu tăng kéo theo cước vận tải, giá hàng hóa tiêu dùng tăng rất có thể sẽ tác động đến chỉ số CPI và lạm phát.
Để góp phần "hạ nhiệt" giá xăng trong nước, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường…/.