Cùng tham dự buổi đối thoại có đại diện lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban đảng tỉnh và một số sở, ngành liên quan; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất với nông dân, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp.
Nhấn mạnh về ý nghĩa của Hội nghị đối thoại lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cho rằng, hiện nay toàn tỉnh có hơn 100 sản phẩm OCOP, trong đó một số sản phẩm đã có thị trường rộng, được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên cũng có một số sản phẩm chưa được như mong muốn của chủ thể khi cung cấp ra thị trường. Bởi vậy, đối thoại lần này để chính quyền và nông dân, nông hộ cùng chia sẻ, tìm ra cách làm hay, nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, đại biểu đã được nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Khoa học và công nghệ phát biểu làm rõ về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển rừng bền vững theo Nghị quyết số 07 và 08/2021/NQ-HĐND; về mẫu mã các sản phẩm OCOP, cách bán hàng, thương mại điện tử; phát triển một số cây dược liệu trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tiềm năng, thế mạnh phát triển Sâm Lai Châu…
Đã có gần 20 câu hỏi của đại biểu gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh với nội dung chủ yếu xoay quanh các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những kiến nghị, đề xuất như: Giải pháp hỗ trợ vốn, thị trường để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ, duy trì sản phẩm OCOP đã được công nhận; khuyến cáo cụ thể đối với việc chăn nuôi lợn quy mô hộ gia đình; hỗ trợ cho người nuôi ong; tìm đầu ra cho sản phẩm khoai sọ tại một số xã của huyện Phong Thổ; một số chính sách hỗ trợ duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; chế độ chính sách bảo hiểm cho học sinh, hộ gia đình...
Đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời trực tiếp từng câu hỏi của đại biểu nêu ra. Về phát triển cây chè và sản phẩm chè, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đi vào phát triển về số lượng và bán qua trung gian mà chưa làm thương hiệu cho sản phẩm, hoặc thương hiệu chỉ ở phạm vi trong tỉnh, không đầu tư vào chế biến sâu, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ.
Trong khi sản phẩm chè của các tỉnh đã có nhiều thị trường đầu ra khác nhau thì tỉnh ta vẫn chỉ ở một số thị trường truyền thống. Vậy cái quan trọng của chúng ta là đầu ra. Cho nên đối với trồng chè, chế biến sâu phải áp dụng cơ chế thị trường, doanh nghiệp nào có năng lực thì liên hệ với người dân chứ không khoanh vùng nữa. Ngoài ra, phải kiểm soát chất lượng, liên kết với doanh nghiệp mạnh để làm thương hiệu. Tỉnh luôn đồng hành với người dân, hộ gia đình, hợp tác xã để cùng tìm đầu ra.
Đối với sản phẩm OCOP, đồng chí đề nghị chủ thể phải có nhiều giải pháp để cải thiện sản phẩm OCOP của tỉnh như đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm, giữ được chất lượng sản phẩm và phấn đấu đưa được sản phẩm của mình vào các siêu thị… Ngoài ra, nhiều ý kiến nghị, đề xuất của đại biểu đã được lãnh đạo các ngành, đơn vị trả lời, giải đáp.
Phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Về những câu hỏi tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Hội Nông dân tỉnh tổng hợp để UBND tỉnh trả lời bằng văn bản.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Hội Nông dân tỉnh, các đơn vị có liên quan để tổ chức thành công Hội nghị đối thoại này. Đồng chí mong muốn Hội nghị đối thoại sẽ được tổ chức thường niên để chính quyền tỉnh được nghe các ý kiến đóng góp của đại biểu qua các kênh thông tin, qua đó giúp lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, các ngành của UBND tỉnh làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của tỉnh đến với Nhân dân.
Trong khuôn khổ Hội nghị đối thoại, đại biểu đã tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương trong tỉnh./.