Gia Lai: Khởi tố vụ phá 16 cây gỗ rừng ở huyện Kbang

Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang (Gia Lai) đã khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” trong vụ phá 16 cây gỗ rừng ở Tiểu khu 114, thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai. Kiểm lâm huyện Kbang cũng đã chuyển hồ sơ vụ án sang Công an huyện Kbang để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Được biết, tháng 02/2023, lực lượng chức năng huyện Kbang đã phát hiện có nhiều cây gỗ bị cắt hạ, khai thác trái phép tại tiểu khu 114, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai.

Tại hiện trường, 16 cây gỗ các loại như xoay, gội đỏ, bời lời, dẻ bị cưa hạ nằm rải rác. Hầu hết các gốc cây gỗ bị cưa hạ có đường kính từ 70-80 cm, ở nhiều vị trí cách xa nhau. Ngoài số gỗ bị cắt hạ, xẻ hộp để vận chuyển đi nơi khác, nhiều cây chỉ bị lấy đi phần thân lớn, cành nhánh bị bỏ lại hiện trường, có cây còn bị đốt cháy tại chỗ.

cay-1679027984.jpg
Cây gỗ lớn bị cưa hạ chỉ bị lấy đi phần gốc, thân cây lớn bị bỏ lại hiện trường. (Ảnh: VTV)

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai cho rằng, các cây gỗ đều đã bị cắt hạ từ lâu với nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh việc một số đối tượng xấu cưa hạ với mục đích khai thác gỗ, nhiều cây gỗ để lại hiện trường chỉ bị lấy đi phần gốc, còn phần thân, cành cây vẫn để lại là do đồng bào địa phương cưa hạ để khô, sau đó cắt khúc làm củi. Một số cây có đường kính lớn hơn dùng để làm hòm theo phong tục tập quán của dân tộc thiểu số địa phương. Đặc biệt, một số cây gỗ bị cưa hạ nhằm mục đích trả thù công ty.

chay-1679028038.jpg
Hiện trường vụ phá rừng. (Ảnh: VOV)

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, trữ lượng gỗ có giá trị cao, nên thường xuyên bị các đối tượng lâm tặc xâm phạm. Đời sống người dân còn khó khăn cũng là nguyên nhân khiến rừng bị phá để làm nương rẫy. Đối với vụ việc xảy ra tại Tiểu khu 114, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai, quan điểm của huyện là xác định đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng và các đơn vị liên quan.

Bên cạnh đó, các lực lượng bảo vệ rừng cũng cần phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường tuyên truyền cho người dân sống gần rừng nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng.

Với hơn 632.000 ha, hiện nay, Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh vẫn tiếp tục suy giảm về diện tích và trữ lượng; tỷ lệ che phủ rừng là 46%, thấp hơn bình quân chung của toàn vùng. Các vụ phá rừng tại Gia Lai thường phát hiện chậm, việc điều tra, xử lý còn nhiều hạn chế.
Ánh Dương (t/h)