Giá heo xuống thấp, gần tết lại nóng chuyện heo nhập lậu, người chăn nuôi kiến nghị khẩn

Giá heo hơi xuống thấp khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Gần tết thị trường heo hơi vẫn trầm lắng trong khi hiện tượng heo nhập lậu lại tái diễn, dù trước đó các ban ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, khiến người chăn nuôi phải có kiến nghị khẩn.
kien-nghi-khan-ngan-chan-heo-lau-02-1705637019.jpg
Người chăn nuôi heo, gà ở 'thủ phủ chăn nuôi' Đồng Nai đều đang gặp rất nhiều khó khăn.

Mỗi đêm có 6.000-7.000 con heo nhập lậu

Từ tháng 10/2023 đến nay, giá heo hơi liên tục giảm mạnh về 46.000 đồng một kg, thấp hơn so với giá thành 8.000-10.000 đồng, điều này khiến nhiều hộ nuôi heo lâm cảnh khó khăn. Vài ngày gần đây, giá heo hơi đã bắt đầu tăng trở lại nhưng nhiều khu vực vẫn còn ở mức thấp, dao động 52.000-58.000 đồng một kg. Trong khi đó, hiện tượng heo nhập lậu từ Campuchia đang có dấu hiệu gia tăng. Do vậy Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 18.1, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai gởi văn bản ‘Kiến nghị tình trạng heo nhập lậu vẫn phức tạp, mặc dù đã có chỉ đạo của Thủ Tướng’.

Văn bản hỏa tốc của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai do ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội gửi đến Thủ tướng nêu thực trạng: Ngày 1.8.2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 694/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam.

kien-nghi-khan-ngan-chan-heo-lau-03-1705637000.jpg
Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai mong Chính phủ có giải pháp bảo vệ heo nội địa trước việc nhập lậu ồ ạt từ Campuchia. (Ảnh minh họa)

Theo đó, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai mong Chính phủ có giải pháp bảo vệ heo nội địa trước việc nhập lậu ồ ạt từ Campuchia, ảnh hưởng tới tiêu thụ trong nước và nguy cơ dịch bệnh.

Trong đơn gửi tới Thủ tướng mới đây, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết 2 tuần đầu năm, mỗi đêm có 6.000-7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam. Theo tính toán của hiệp hội này, số lượng heo nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày. Với giá bán chỉ trên dưới 50.000 đồng một kg heo hơi, khiến người chăn nuôi trong nước thua lỗ vì phải bán dưới giá thành sản xuất.

Heo nhập lậu chất thêm khó khăn cho người chăn nuôi

Ngoài ra, Hiệp hội cho rằng heo nhập lậu tràn lan làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tương lai, đàn heo nội địa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng gây thiếu hụt nguồn cung trong nước.

"Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi trong nước đã chịu áp lực từ dịch bệnh Covid-19, dịch tả heo Châu Phi... nên thua lỗ liên miên. Nhiều trang trại hoặc hộ chăn nuôi phải giảm đàn, ngưng sản xuất", ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nêu trong đơn.

Do đó, hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng lập các đoàn công tác kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép heo vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn. Đồng thời, nhà chức trách chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, gian lận thương mại, cũng như hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn heo buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

kien-nghi-khan-ngan-chan-heo-lau-01-1705637096.jpg
Nhiều năm qua, ngành chăn nuôi đã chịu áp lực từ dịch bệnh Covid-19, dịch tả heo Châu Phi.

Theo hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, trước đó ngày 1-8-2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện 694/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,.... để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Thủ tướng chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán heo nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép heo.

Sau công điện này, một số cơ quan truyền thông tiếp tục phản ánh về tình trạng heo nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp. Điều này làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đồng thời gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước.

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi, đến 2021 còn 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ. Nếu không sớm ngăn chặn nhập lậu và có các giải pháp đồng bộ, nhiều vùng có nguy cơ bị xóa sổ về chăn nuôi./.