Cuối năm giá lợn vẫn ảm đạm, nỗi ám ảnh khi hàng triệu con lợn thành... con nợ

Những ngày cuối cùng của năm 2023 khép lại, giá lợn hơi vẫn không khởi sắc như kỳ vọng khiến người chăn nuôi thua lỗ. Trong cả năm, giá lợn luôn duy trì ở mức thấp đa phần người nuôi phải bán dưới giá thành.
chan-nuoi-lon-02-1704014403.jpg
Những ngày cuối cùng của năm 2023, giá lợn hơi vẫn chỉ ở ngưỡng 48.000-52.000 đồng/kg.

Cả doanh nghiệp và người dân đều thua lỗ

Tính đến cuối năm 2023, tổng đàn lợn của cả nước tăng lên 30,3 triệu con. Nhưng từ doanh nghiệp quy mô lớn tới các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều than trời vì thua lỗ. Con lợn mang theo kỳ vọng làm giàu bỗng trở thành... con nợ.

Những ngày cuối cùng của năm 2023, giá lợn hơi vẫn chỉ ở ngưỡng 48.000-52.000 đồng/kg. Mức giá này, bà Lê Thị Vân, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Hưng Yên chịu lỗ khoảng 500.000 đồng khi xuất bán một con lợn. Giữa tuần qua, bà bán lứa lợn 70 con, khoản lỗ ước tính lên tới 35 triệu đồng.

Nhìn lại một năm qua, bà Vân không đếm xuể số lần mình phải bán lợn hơi dưới giá thành sản xuất. Theo bà, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn neo ở mức cao dù đã điều chỉnh giảm vài lần, còn giá lợi hơi luôn nằm ở mức thấp. Thậm chí, có thời điểm bà chỉ bán lợn với giá 46.000 đồng/kg, chịu lỗ nặng gần 1 triệu đồng/con.

Không chỉ bà Vân, hàng chục nghìn trang trại, hộ chăn nuôi lợn ở nước ta đều chung tình trạng như vậy. Ông Đỗ Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết, giá bán lợn hơi hiện nay xuống thấp, bình quân 49.000 đồng/kg. Do đó, không chỉ hộ chăn nuôi mà các doanh nghiệp cũng chịu thua lỗ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, nước ta một năm giết mổ khoảng 49-51 triệu con lợn. Quy mô ngành chăn nuôi vô cùng quan trọng khi hàng triệu hộ nông dân gắn bó với lĩnh vực này. Tuy nhiên, mấy năm nay chăn nuôi thua lỗ nghiêm trọng, không chịu nổi dẫn đến phá sản. Chăn nuôi “ăn” hết cả vào sổ đỏ, “ăn” hết vào xe.

chan-nuoi-lon-04-1704014384.jpg
Những năm gần đây, người chăn nuôi liên tục phải bán lợn dưới giá thành, chịu lỗ nặng.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), tổng đàn lợn của cả nước ước đạt 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi đạt 4,68 triệu tấn.

Song, giá lợn lại bấp bênh. So với năm 2022, giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 luôn thấp hơn. Từ tuần đầu tháng 12, giá lợn hơi trung bình cả nước là 48.000 đồng/kg. Dù hai tuần trở lại đây, lợn hơi giá tăng nhích lên nhưng vẫn thấp hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ ngoái.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thừa nhận, giá lợn hơi trên thị trường đang thấp hơn giá thành sản xuất.

"Theo ước tính, ở quy mô trang trại, chi phí chăn nuôi vào khoảng 55.000 đồng/kg trở lên, còn chăn nuôi nông hộ khoảng 60.000 đồng/kg. Với giá bán lợn hơi như trên, người chăn nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ", ông nói.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 hồi giữa tháng 12, ông Chinh thẳng thắn: "Năm nay, chắc không có doanh nghiệp hay người nuôi lợn nào dám khẳng định rằng tôi có lãi cả”.

Tìm giải pháp để phát triển chăn nuôi lợn bền vững

Nguyên nhân giá lợn hơi gần đây giảm ngang hoặc dưới giá thành sản xuất được Cục Chăn nuôi chỉ rõ là bởi sức tiêu thụ trên thị trường yếu; nguồn cung thịt trong nước tăng; dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên nhiều hộ có tâm lý bán tháo đàn, tác động trực tiếp tới giá mặt hàng này.

Bên cạnh đó, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng liên tục trong nửa cuối năm 2023; tình trạng nhập lậu lợn sống, sản phẩm thịt lợn vẫn diễn ra... gây áp lực với thịt lợn sản xuất trong nước do phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ.

Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu đẩy giá thành sản xuất lên cao, trong khi giá lợn hơi xuất chuồng lại giảm khiến người nuôi còng lưng gánh lỗ.

Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu con, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn... Cục Chăn nuôi nêu một loạt các giải pháp như: đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh; xây dựng chuỗi liên kết; quản lý giống lợn hiệu quả; phát triển các giống bản địa, đặc hữu; kiểm soát môi trường; áp dụng các công nghệ cao... tiến tới xuất khẩu.

Bàn về giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách nghĩ cách làm. Theo ông, các doanh nghiệp mới dừng ở thịt lợn hơi, không làm thịt mát, không chế biến sâu, không giò chả... Ngày nào cũng chỉ nghĩ đến thịt luộc, kho tàu và mấy món khác thì không thể ăn hết được.

Đề cập tới giá sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến một lần nữa nhấn mạnh, tiềm năng lợi thế của ngành chăn nuôi còn rất lớn. Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD vào ngành chăn nuôi nước ta nên phải hướng vào làm sản phẩm xuất khẩu.

“Đừng nghĩ đầu tư chỉ nhắm mãi vào thị trường nội địa 100 triệu dân. Doanh nghiệp FDI phải làm hàng để xuất khẩu", ông chỉ rõ.

chan-nuoi-lon-03-1704014507.jpg
Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ giảm mạnh, doanh nghiệp FDI chiếm 43% thị phần thịt lợn.

Thứ trưởng Tiến cho biết, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm nay đạt trên 500 triệu USD. Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng ký kết với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về nghị định thư xuất khẩu động vật và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh hai bên biên giới để tăng cường xuất khẩu động vật và các sản phẩm động vật.

Đây là cơ hội mở rộng các đối tượng xuất khẩu, đồng thời tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, ông Tiến cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho rằng, chăn nuôi muốn phát triển bền vững phải tăng trưởng ổn định, phải đảm bảo hài hoà lợi ích của các tác nhân tham gia và cả người tiêu dùng. Muốn vậy, phải kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, môi trường, thị trường, tổ chức các chuỗi liên kết.

Về triển khai chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, theo ông Dương, Bộ NN-PTNT cần xem xét lại. Bởi sau Covid-19, sau dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là khi hội nhập thì vấn đề thị trường chăn nuôi trong nước đã thay đổi về cơ cấu đàn, cơ cấu sản phẩm.

“Chúng ta không nghĩ chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ lẻ bị thay thế nhanh đến vậy. Nhiều người nói đây là quy luật tất yếu nhưng thực ra không phải”. Ông nói và dẫn chứng, Hàn Quốc mất 40 năm, từ hơn 600.000 trang trại mới thu về 6.000 trang trại. Ở nước ta, chỉ vài ba năm nếu không kiểm soát tốt, chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ lẻ sẽ không còn nữa.

Đây là sinh kế của người dân, quyền lợi chính đáng của người dân phải được quan tâm và bảo vệ. Do đó, phải ngăn chặn hàng lậu, kiểm soát tốt hàng nhập khẩu. Ông Dương nhấn mạnh, vấn đề này vô cùng quan trọng. Không kiểm soát được thì không bảo vệ được thị trường, sản xuất không có thị trường là "chết".

“Những năm gần đây, sản phẩm chăn nuôi đều khó tiêu thụ, phải bán dưới giá thành, trong khi nhập khẩu lại tăng lên, đặc biệt vấn đề nhập lậu. Hàng triệu người nông dân chịu đau thương”, ông cho hay./.

Bình Châu