GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%

GDP quý III/2022 tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng âm do kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, GDP 9 tháng đầu năm tăng cao nhất 11 năm qua, ở mức 8,83%.

Ngày 29/09, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022.

“Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tuy vậy, kinh tế nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước, do quý III/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó vào năm 2021, GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%.

tang-1664421947.png
Tăng trưởng GDP 09 tháng qua các năm.

Nhờ vậy, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 09 tháng trong giai đoạn 2011-2022, cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết thêm, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng là khoảng 9,63%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 quý đầu năm ước đạt 4,1 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng theo giá hiện hành ước đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2018 đến nay .

Trong tháng 9/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,74 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.

CPI bình quân quý III tăng 3,32% so với quý III. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Mai An