Sóc Giang có vị trí quan trọng thế nào?
Về mặt quân sự, phải khẳng định ngay, rất quan trọng. Sóc Giang là thị trấn huyện lỵ Hà Quảng, cách thành phố Cao Bằng 42km và khoảng 55km theo tỉnh lộ 203. Từ cửa khẩu Bình Mãng, thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, địch muốn đến Thị xã Cao Bằng nhanh nhất chỉ có băng qua cửa khẩu Sóc Giang.
Khi chiến tranh biên giới xảy ra, mục tiêu đầu tiên của quân Trung Quốc là đánh chiếm càng nhanh càng tốt thị trấn Sóc Giang, đánh tan cơ quan đầu não của huyện Hà Quảng làm bàn đạp tiến về Hòa An và thị xã Cao Bằng. Việc Sóc Giang trụ được đến ngày 20/2 nằm ngoài ý muốn chủ quan của giặc. Nói về thành công đó không thể không nói đến sự phối hợp chặt chẽ, kiên cường chiến đấu của tiểu đoàn 3, trung đoàn 246, bộ đội biên phòng và dân quân tự vệ.
Ngay từ 17/2, địch đã huy động một sư đoàn bộ binh có pháo binh, xe tăng yểm trợ ồ ạt tấn công thị trấn nhỏ bé nép mình dưới những rặng núi cao này. Khi đó đại tá Hà Trọng Bảo là hạ sỹ Tiểu đội trưởng thông tin vô tuyến, người luôn vác chiếc máy 884 theo sát Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3.
Đã qua 4 ngày đêm Chính trị viên Tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh không chợp mắt, anh đã gồng mình lên chỉ huy bộ đội đánh trả địch quyết liệt, vừa làm chỗ dựa tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ, khiến cả sư đoàn địch với trang bị vũ khí hùng hậu không thể nào đánh bật được Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 ra khỏi trận địa. Trọng Bảo ghi chép trong sổ tay:
“Buổi sáng ngày 20-2-1979, tự dưng trời hửng nắng. Tiếng đạn pháo, tiếng súng bộ binh cũng lắng đi một lát. Tôi chui ra bên ngoài cửa hang chính quan sát. Thị trấn Sóc Giang bỗng bình yên lạ thường. Bản Nà Nghiềng nằm gần điểm chốt của Đại đội 10 có nhiều cây cổ thụ xanh biếc. Mùa xuân đã đến rồi. Tiếng con suối chảy rì rào phía bên kia cánh đồng. Có một tiếng gà gáy từ dưới bản vọng lên... Nếu không có cảnh đổ nát hoang tàn, nhà cửa, cây cối cháy nham nhở, những hố đạn pháo lỗ chỗ trên mặt đường thì chẳng ai nghĩ ở nơi này đang xảy ra một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt.
Thị trấn Sóc Giang đã trở thành một “Tọa-độ-lửa” như chúng tôi đã gọi sau mấy ngày chiến tranh. Mọi hỏa lực của quân giặc đều tập trung rót lửa và gang thép vào Sóc Giang. Không một thân cây, một ngôi nhà trong thị trấn còn nguyên vẹn. Kẻ thù đang bủa vây bốn phía. Mọi nòng súng của chúng đều hướng vào thị trấn, nơi những người lính Tiểu đoàn 3 kiên cường bám trụ. Lúc trời chưa sáng hẳn, thị trấn có một khoảng thời gian yên lặng. Có lẽ bọn Trung Quốc xâm lược đang điều động lực lượng, tổ chức lại đội hình để đánh một trận quyết định vào thị trấn, quyết tiêu diệt gọn tiểu đoàn chúng tôi”.
Các chiến sĩ của chúng ta đã quyết tâm bám trận địa khi còn có thể
Sau ba ngày đọ sức quyết liệt với quân xâm lược đông đảo, Đại đội 11 bị đánh bật khỏi các hai chốt cây đa hướng cửa khẩu Bình Mãng. Ban chỉ huy đại đội hy sinh gần hết. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 11 bị thương vong quá nhiều phải rút lui về trường cấp 1+2 Sóc Giang, gần vị trí hang đặt sở chỉ huy tiểu đoàn phòng ngự. Đại đội 9 tiếp tục củng cố, bảo vệ trận địa Kéo Nghìn và khu vực uỷ ban nhân dân huyện Hà Quảng.
Đại đội 10 vẫn tiếp tục phòng ngự ở mỏm đồi đất bên dưới điểm cao 505 án ngữ con đường từ Ngã ba Đôn Chương, hướng từ thị xã Cao Bằng lên thị trấn huyện lỵ Hà Quảng. Cả buổi sáng ngày 20-2, bọn địch từ hướng Đôn Chương nống lên tập kết ở phía các bản Cốc Sâu, Kép Ké. Đài quan sát báo cáo phát hiện có nhiều bộ binh, xe tăng địch từ Đôn Chương đang tiếp tục hành tiến. Phía cửa khẩu Bình Mãng bộ binh và xe cơ giới Trung Quốc cũng đang tiến xuống. Hướng Mỏ Sắt, bộ binh địch đã hành quân qua ngả Quý Quân lên, áp sát bản Nà Cháo. Bọn lính đặc nhiệm sơn cước, thám báo xuất hiện gần điểm cao 505 phía trên các điểm chốt của Đại đội 10.
Quân địch đã hình thành thế bao vây Tiểu đoàn 3 từ bốn phía. Liên lạc từ vị trí chỉ huy của tiểu đoàn với các đơn vị chỉ còn đảm bảo được nhờ các đài sóng cực ngắn 884 của bộ phận thông tin do Hạ sĩ Tiểu đội trưởng vô tuyến Hà Trọng Bảo phụ trách. Mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy tiểu đoàn, báo cáo tình hình của các đơn vị đều được truyền đạt đầy đủ, thông suốt. Hà Trọng Bảo kể, nhiều lúc anh cũng cuống cả lên vì tình hình khẩn cấp từ các hướng mà anh trực tiếp nghe qua các máy vô tuyến điện báo về.
Trong lúc chiến sự hết sức nóng bỏng, Tiểu đoàn trưởng từ mãi trên đỉnh núi, liên tục điện về chỉ huy các cán bộ tại hang huyện ủy, Tiểu đội trưởng vô tuyến Hà Trọng Bảo cứ phải chạy đi chạy lại từ cửa hang vào giữa hang để truyền đạt lại ý kiến của Tiểu đoàn trưởng với Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh. Lúc đầu anh Doanh còn im lặng nghe, sau thấy chiến sĩ thông tin cứ liên tục chạy đi chạy lại thông báo mãi ý kiến của Tiểu đoàn trưởng từ trên núi, nơi không thể quan sát được trận địa tại thị trấn Sóc Giang, truyền xuống, anh nổi cáu quát: - Mày không cần phải báo lại nữa! Ở trên núi thì biết cái gì đang diễn ra ở đây mà chỉ đạo... Im đi, để tao còn chỉ huy chiến đấu.
Anh lính thông tin trẻ bị quát cũng hoảng vì từ hôm chiến tranh xảy ra đến nay mới thấy Chính trị viên Tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh nổi cáu như vậy, nhưng rồi ông cũng hiểu là đã mắng oan Trọng Bảo, lúc tình hình tạm lắng xuống ông đến vỗ vai và nói nhỏ với anh chiến sĩ thông tin: - Lần sau, ông ấy có ra lệnh và chỉ thị gì thì mày không cần phải báo cáo với tao nữa nhé!
Tiếp tục cuộc chiến đấu, ông Chính trị viên Tiểu đoàn hạ lệnh:
- Lệnh ngay cho Đại đội 12 lấy phần tử chuẩn bị bắn vào vị trí tập kết của bọn địch ở khu vực lò sấy thuốc lá bản Kép Ké.
- Điện cho Đại đội 12: - Bảo “nó” không được tự ý! Khi nào có lệnh mới được bắn?
- Lệnh cho Đại đội 12 bắn năm quả cối 82 vào đội hình quân địch trên cánh đồng trồng thuốc lá chi viện cho Đại đội 10.
- Lệnh cho Đại đội 10 cử hai tổ xuống bắn xe tăng địch ngay!
- Lệnh cho bộ phận của Đại đội 9 chặn đánh quân địch đang tiến vào khu vực trụ sở uỷ ban nhân dân huyện!
- Chỉ y tá ở lại chăm sóc thương binh nặng! Còn tất cả ra vị trí chiến đấu!...
Sự điềm tĩnh và quyết đoán của Chính trị viên Tiểu đoàn đã khiến các chiến sĩ vững tâm bám đánh địch. Tiếng nổ chát chúa của đạn pháo, tiếng hét “tả”, “tả” của giặc, tiếng tiểu liên, trung liên rít lên từng hồi không làm mặt ông biến sắc, mọi mệnh lệnh của ông luôn dứt khoát. Có thể nói Chính trị viên Tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh chính là linh hồn của Tiểu đoàn 3 trong trận chiến này.
Gặp tác giả ghi chép “Cao Bằng đầu năm 1979” tôi đặt vấn đề, tại sao hồi ấy anh Doanh không được phong anh hùng? Trả lời câu hỏi đầy ẩn ức của tôi, Đại tá Hà Trọng Bảo cười buồn: - “Tế nhị lắm, anh”. Đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình, tôi được biết: Sự thật là Tiểu đoàn trưởng đã rời vị trí chiến đấu, nhưng nếu thừa nhận điều đó tập thể tiểu đoàn 3 sẽ không được phong anh hùng; Anh Doanh đã quyết định “quên mình”, chỉ khiêm tốn nhận huân chương chiến công hạng ba, để tiểu đoàn được phong anh hùng, bởi đó là xương máu của 39 cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc.
Anh Doanh đã 81 tuổi, anh vẫn minh mẫn và sôi nổi như ngày còn cùng công tác trên Quân khu Một. Anh Doanh thật sự có tầm của một người anh hùng, trong chiến đấu anh dũng cảm trụ vững ở nơi ác liệt nhất; trong chỉ huy, anh luôn mưu trí, sáng tạo… Đặc biệt, anh luôn nghĩ về mọi người, nghĩ cho mọi người. Hơn 40 năm rồi anh vẫn áy náy tại sao, Chiến sĩ Nguyễn Xuân Quý bắn cháy bốn xe tăng địch, Hạ sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm bắn cháy một chiếc xe tăng, nhặt lựu đạn địch ném trả bị nổ trên tay hy sinh, Trung úy Trần Xuân Tương Chính trị viên đại đội chỉ huy các tổ xuống chân điểm chốt bắn xe tăng… không được thưởng cao hơn.
Anh vẫn nhớ rất chi tiết về chiến sỹ Lý Mí Sùng người Mông Đồng Văn, Hà Giang. Anh kể, Lý Mí Sùng một mình sử dụng 4 loại súng tiêu diệt gần 100 tên địch. Đại đội được lệnh rút quân, Sùng không biết, vẫn một mình ở lại trên chốt tiếp tục bám trụ chiến đấu. Khi đồng đội đã rút khỏi trận địa rồi vẫn vẫn nghe tiếng súng nổ đì đòm, đơn vị vội cử người lên tìm, thấy Sùng vẫn bám công sự, mắt trừng trừng nhìn về phía địch, rồi Giàng Mí Mua cũng người Mông Hà Giang, vác B40 áp sát xe tăng, đã bắn là cháy.
Nói về người đồng cấp và một đại đội trưởng bỏ vị trí chỉ huy anh cười hiền lành, “Thôi, thông cảm đi, ác liệt thế, sống và chết trong gang tấc, không phải ai cũng vượt qua được sự sợ hãi?”. Anh còn dặn Hà Trọng Bảo: “Đừng có viết là đào ngũ, nói ra quân chung chung thôi”. Những người từng là lính dưới quyền anh, có người đã đeo hàm tướng, nói về anh đêu khẳng định: “Dù chỉ văn hóa lớp 7 bổ túc nhưng anh làm Trung đoàn trưởng cũng giỏi mà làm Chính ủy Trung đoàn cũng giỏi. Anh có đầy đủ bản lĩnh và tư chất của một người anh hùng”.
Tôi nhắc lại chi tiết này với Trọng Bảo, người luôn ở bên cạnh Đại tá Hoàng Quốc Doanh trong suốt cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc ác liệt, cũng nhất trí với nhận xét ấy. Nên chăng, tiểu đoàn 3 anh hùng, trung đoàn 246 anh hùng, sư đoàn 346, Quân khu Một nên thẩm tra và đề nghị nhà nước phong danh hiệu anh hùng cho anh, người chỉ huy kiên cường ở chảo lửa Sóc Giang ngày ấy./.