Gần 2.000 tấn vải chín sớm thông quan thuận lợi qua Lào Cai

Khoảng 1 tuần nay, không quản thời tiết nắng nóng, mỗi ngày vẫn có trên dưới 20 xe hàng chở quả vải tươi tập kết tại Cửa khẩu Kim Thành (thành phố Lào Cai) để xuất qua Trung Quốc. Mặt hàng vải tươi này thuộc loại vải chín sớm, chủ yếu ở các vùng trồng của Bắc Giang, Hải Dương, sau khi thu hoạch được bảo quản lạnh trong các thùng xốp chở đi xuất khẩu. Gần 2.000 tấn vải chín sớm đã thông quan thuận lợi.

Theo một đại diện Công ty xuất nhập khẩu cho biết, doanh nghiệp này đã xuất thành công trên 200 tấn vải quả cho các đối tác; so với thời điểm dịch Covid-19, môi trường thông quan ở Lào Cai có nhiều thay đổi tích cực. "Cửa khẩu cũng mở rộng được mặt bằng, bến bãi, phân luồng, phân tuyến cho xe chở quả vải xuất được nhanh. Và thời gian này lái xe Việt Nam đã có thể đi thẳng Trung Quốc thì cũng có nhiều thuận lợi", đại diện doanh nghiệp nói.

Hiện tại, đã có khoảng 2.000 tấn quả vải tươi chín sớm được xuất khẩu qua Lào Cai. Dự kiến khối lượng sẽ dần tăng cao khi vào giai đoạn chín rộ. Ngay từ trước mùa vải, các ngành chức năng của Lào Cai đã chủ động phương án gia tăng năng lực thông quan đối với mặt hàng này để bảo đảm tối đa độ tươi ngon. Càng thuận lợi hơn khi Lào Cai cũng đang trong lộ trình đưa cửa khẩu số vào hoạt động.

"7h mở cửa khẩu thì 6h30 chúng tôi đã có mặt để giải quyết thủ tục thông quan cho doanh nghiệp. Tất cả các lô vải lên đến cửa khẩu thì hồ sơ luôn được chúng tôi ưu tiên, bảo đảm việc thông quan ngay", ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cho biết.

Xác định Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vải lớn của Việt Nam, cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lào Cai cũng đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương có vải tươi xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp hai bên Việt – Trung; thường xuyên cập nhập thông tin về chính sách xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc và tình hình thông quan tại cửa khẩu Lào Cai.

20210604084914-2-1684920432.jpg

Ảnh minh họa.

Vải thiều sẽ "đi" nhiều nước

“Cục Bảo vệ thực vật vừa cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan. Theo đó, 9 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia với tổng diện tích hơn 117,5ha và 3 mã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan có tổng diện tích 42ha. Như vậy, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và 9 mã xuất khẩu sang thị trường Australia”, Cục trưởng Hoàng Trung chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang, cùng với những mã số trên, tỉnh hiện có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 16.000ha; 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản (hơn 297,4ha) và 15 mã xuất khẩu sang Hoa Kỳ (hơn 184,2ha). Cục Bảo vệ thực vật cũng đã chuyển thông tin 11 mã số vùng trồng vải thiều mới cho cơ quan chuyên môn của Hoa Kỳ và Trung Quốc để phía bạn xem xét, đánh giá việc cấp mới.

Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2023, sản lượng vải thiều của địa phương ước đạt hơn 180.000 tấn. Dự kiến vải thiều sớm thu hoạch từ ngày 25-5 đến 15-6, vải chính vụ từ ngày 10-6 đến 30-7. Sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa khoảng 81.000 tấn (chiếm 45%), còn lại xuất khẩu. Hiện đã có một số doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc thỏa thuận tiêu thụ vải thiều với tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh đó, hơn 200 thương nhân Trung Quốc đã đăng ký nhập cảnh để đến Bắc Giang tham gia giám sát vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều.

Còn tại Hải Dương, theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, năm 2023, có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số xuất khẩu, trong đó, 45 mã số vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc; 40 mã số vùng trồng xuất khẩu Australia; 36 mã số vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản; 39 mã số vùng trồng xuất khẩu Hoa Kỳ; 8 mã số vùng trồng xuất khẩu Thái Lan.

Cùng với khai thác thị trường trong nước, năm nay, Hải Dương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để xuất khẩu vải thiều đến các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật Bản và tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường mới, tiềm năng như các nước khu vực Nam Mỹ, các nước thuộc châu Phi…

Doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc trực tiếp giám sát vải thiều xuất khẩu

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, đối với thị trường Trung Quốc, trung bình hằng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 80.000-120.000 tấn vải. Năm nay, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã được Cục hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, đóng gói xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc, nên mọi khâu diễn ra rất thuận lợi.

Đối với thị trường Nhật Bản, phía Nhật Bản cử chuyên gia tới giám sát trực tiếp tất cả lô vải trước khi xuất khẩu sang thị trường này. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát, kiểm tra toàn bộ nhà máy xử lý tại các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương. Hiện tại, công tác kiểm tra đã hoàn tất.

Tương tự, việc bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đối với quả vải xuất khẩu sang thị trường Australia (sử dụng phương pháp chiếu xạ) hiện nay rất thuận lợi và nhà máy chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội có thể đảm đương được.

Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, qua nhiều lần trao đổi, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã tạo điều kiện để chúng ta có thêm một cơ sở chiếu xạ được công nhận đáp ứng yêu cầu phía bạn là Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.

Theo báo cáo của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, cuối tháng 5, thiết bị điều kế theo yêu cầu của Hoa Kỳ sẽ về Hà Nội, đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt, đưa vào vận hành. Nếu thuận lợi, quả vải của Bắc Giang được xử lý tại Hà Nội, không phải đưa vào TP.HCM như trước đây.

Thi Nguyên (t/h)