Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hoá

Được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng ngành du lịch Việt Nam lại có đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên. Vì vậy, để du lịch phát triển bền vững thì không thể “ăn xổi” mà tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết, đây là định hướng lâu dài cho du lịch Việt Nam trong điều kiện đầy biến động của môi trường.
1-1719218123.jpg
Hội thảo Khoa học Quốc gia “Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa” diễn ra ngày 22/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 22/6/2024, Hội thảo Khoa học Quốc gia “Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra các giải pháp, chính sách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch.

Các ý kiến đóng góp đã đề cập đến việc thúc đẩy du lịch bền vững, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và bảo vệ các khu vực du lịch quan trọng; chia sẻ kết quả nghiên cứu, quan điểm, kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, Doanh nghiệp với cộng đồng nghiên cứu và Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.

Điều này giúp mở rộng cầu nối và tăng cường sự hợp tác chuyên môn giữa các đơn vị; ý kiến và giải pháp hữu ích trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ, đặc biệt là tại khu vực rừng ngập mặn huyện Cần Giờ. Các thông tin và kết quả từ hội thảo sẽ giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong ngữ cảnh địa phương; thúc đẩy sự hợp tác giữa Trường Đại học Tài chính - Marketing và cơ quan quản lý địa phương như Ban Quản lý Rừng phòng hộ. Việc chia sẻ thông tin, nghiên cứu và kinh nghiệm sẽ giúp xây dựng mối quan hệ bền vững, đồng thời hỗ trợ sinh viên hiểu rõ hơn về thực tế ngành nghề và ứng dụng kiến thức trong lĩnh vực môi trường.

2-1719218156.jpg
3-1719218176.jpg
Các thí sinh, sinh viên trình bày Poster về các ý tưởng phát triển du lịch xanh, bền vững trong khuôn khổ Hội thảo.

Sau 2 tháng triển khai Ban tổ chức đã nhận về 157 bài tham luận của 333 tác giả đến từ 91 đơn vị là cán bộ, trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ thuộc các trường, trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp, các cơ sở Đoàn trong và ngoài thành phố; các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến việc bảo vệ môi trường có thể đóng góp quan điểm và giải pháp nhằm hỗ trợ ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững; sinh viên, học viên, giảng viên từ các trường Đại học, Cao đẳng và Học viện trên toàn quốc.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Trung Đạo - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài Chính – Marketing chia sẻ: “Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các chuyến đi du lịch của những du khách tiên phong dẫn dắt trào lưu đó đã tạo ra xu hướng mới cho dòng khách du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp được với du hướng đó trong việc phát triển du lịch xanh”.

Trong các khu rừng ngập mặn tại Việt Nam, Cần Giờ là khu vực có một quần thể thực vật đa dạng sinh học bậc nhất với hệ sinh thái tựu nhiên gồm sông, rạch, biển, rừng ngập mặn vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ. Với tiềm năng về tự nhiên, đây là địa điểm lý tưởng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và cả nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Cần Giờ còn có nhiều giá trị văn hóa bản địa với làng chài và các vùng nuôi trồng thủy hải sản nước lợ, nước mặn.

Thống kê từ Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2023, khách đến tham quan, du lịch tại Cần Giờ đạt 3,8 triệu lượt, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2022 và tăng 47,85% so với 2019.

4-1719218220.jpg
Việc khai thác, phát triển du lịch luôn phải gắn liền với xanh và bền vững tại rừng ngập mặn Cần Giờ - Lá phổi xanh của TP. Hồ Chí Minh.

“Cần Giờ đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó có loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm khai thác. Về cơ sở hạ tầng du lịch, huyện đã có các cơ sở được đánh giá tổng thể, mặc dù còn thiếu về số lượng, chất lượng dịch vụ chưa cao so với tiềm năng của địa phương. Lượng khách du lịch chủ yếu là giới trẻ, đi về trong ngày và chưa chi tiêu nhiều cho du lịch”, ông Lê Trương Hiền Hoà cho biết.

Trong giai đoạn tiếp theo, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần được triển khai theo hướng “Hạ tầng xanh” gắn với “Kinh tế tuần hoàn” như: Cơ sở hạ tầng với nhiều công trình xanh; xây dựng hệ thống xử lý chất thải thông minh, hệ thống khai thác và tái sự dụng nước; phát triển “giao thông xanh”, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng; sử dụng nguyên liệu có thể tái tạo.

“Phát triển du lịch sinh thái không chỉ là phát triển du lịch mà còn là giải pháp phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, hướng đến bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, góp phần vào cân bằng sinh học tự nhiên và bảo vệ môi trường sống của con người”, ông Lê Trương Hiền Hòa nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Đức Hoàn - Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ chia sẻ: “Nhận thức được tiềm năng du lịch to lớn của Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh đầu tư và triển khai nhiều giải pháp nhằm biến nơi đây thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn. Cần Giờ sở hữu hệ sinh thái vô cùng quý giá, là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích thiên nhiên. Do đó, việc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch xanh, bền vững là vô cùng quan trọng”.

Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về “Mô hình - Giải pháp phát triển du lịch xanh, bền vững” và “Giá trị hệ sinh thái gắn với phát triển du lịch xanh”.

Có thể nói, Hội thảo khoa học Quốc gia “Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa” có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước đang đẩy mạnh sự phát triển bền vững của tất cả các ngành kinh tế, trong đó có ngành du lịch, một trong những ngành công nghiệp không khói đang có vị trí ngày càng lớn đối với phát triển kinh tế của Việt Nam./.

Đạm Quang Lê