Dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán 2022 thấp hơn mọi năm ở Thừa Thiên - Huế

Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế dự báo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không bằng mọi năm, giá cả hàng hóa những tháng cuối năm và dịp Tết không biến động lớn.

Duy chỉ có một số mặt hàng như hoa tươi, trái cây, thịt lợn, gà... sẽ tăng nhiều theo từng thời điểm, cục bộ do nhu cầu phục vụ cúng lễ cuối năm.

Chỉ số tiêu dùng tháng 12/2021 giảm nhẹ so với tháng 11. Người dân chủ yếu mua sắm lương thực và thực phẩm. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng thiên tai lũ lụt tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thời gian qua cũng ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa; một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh không dám dự trữ hàng hóa...

Vì vậy, lượng hàng hóa dự trữ không tăng so với những năm trước. Tuy nhiên, giá cả tăng nên tổng giá trị hàng dự trữ tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021, Trưởng phòng Quản lý thương mại – xuất nhập khẩu Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Thị Hòa cho hay.

Ước tổng giá trị dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần toàn tỉnh đạt khoảng 1.614 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm trước; trong đó, dự trữ tại một số doanh nghiệp lớn chiếm trên 1.191 tỷ đồng; các chợ trung tâm, chợ đầu mối khoảng 203 tỷ đồng và nguồn dự trữ khác tại doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, các chợ khoảng 220 tỷ đồng.

ttxvn-binh-on-20211024102944-1641515489.jpeg
Ảnh minh hoạ

Một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn đã chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết với tổng trị giá hàng hóa tăng so với dịp Tết năm Tân Sửu 2021. Điển hình như Công ty TNHH Thương mại Carlsberg Việt Nam dự trữ 576 tỷ đồng, tăng 34%; Điện máy Xanh dự trữ khoảng 140 tỷ đồng, tăng 354%; Siêu thị Go Huế dự trữ trên 217 tỷ đồng, tăng 20%; Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh dự trữ trên 35,3 tỷ đồng, tăng 203%; Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu Khí Thừa Thiên - Huế tăng 44%... 

Mặc dù vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh nhưng các hộ kinh doanh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ dịp Tết sắp đến. Tuy nhiên, nhìn chung tổng giá trị hàng hóa dự trữ tại các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc (thành phố Huế) đều giảm so với cùng kỳ năm 2021 từ 0,67 - 10%.  

Theo bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình buôn bán của các tiểu thương. Dù hầu hết quầy hàng đã hoạt động trở lại nhưng lượng người đến mua sắm vẫn hạn chế. Tiểu thương lo ngại, không dám dự trữ hàng hóa nhiều như mọi năm. 

Đáp ứng xu thế hiện nay cũng như nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các tiểu thương và người mua sắm, Ban Quản lý chợ Đông Ba đã quyết định đưa vào sử dụng ứng dụng mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử “Chợ Đông Ba” từ ngày 1/1. Theo đó, các nhu yếu phẩm, thời trang, lương thực, thực phẩm, thiết bị… đều được hỗ trợ trên ứng dụng này. 

“Tiếp nối thành công của chương trình “Đi chợ hộ” trong thời gian qua, chợ Đông Ba là chợ truyền thống đầu tiên của cả nước ứng dụng công nghệ thông tin, có ứng dụng riêng hướng đến kinh doanh kết hợp giữa văn hóa truyền thống và tiếp thu xu thế hiện đại”, bà Hoàng Thị Như Thanh chia sẻ. 

Bên cạnh đó, ngôi chợ 123 năm tuổi này vẫn tiếp tục duy trì chương trình “Đi chợ hộ” theo lịch vào các thứ 3, 5, 7 hàng tuần để phục vụ người dân không tiện sử dụng ứng dụng trên thiết bị thông minh. 

Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vùng khó khăn, Sở Công Thương tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tổ chức nhiều chuyến bán hàng bình ổn thị trường kết hợp với chương trình Đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do lũ lụt.

Cùng với các điểm bán hàng Việt chất lượng cao trên địa bàn với những mặt hàng truyền thống, sản phẩm VietGAP, nông sản hữu cơ…, nhiều mô hình Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” được nhân rộng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất giới thiệu sản phẩm tiếp cận với thị trường...

Thời điểm giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao, hoạt động khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng diễn ra sôi động ở cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Do đó, nguy cơ gia tăng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn. Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 

Ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hoá là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, mặt hàng tươi sống… và nhiều mặt hàng y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; không để tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường./.