TP.HCM lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3

Cơ quan chức năng của TP.HCM đang gấp rút thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Vành đai 3 sớm hơn kế hoạch ban đầu 6 tháng.

Theo kế hoạch ban đầu của TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An dự án đường vành đai 3 sẽ khởi công vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại kế hoạch TP.HCM đã thống nhất với các tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án để tiến hành khởi công vào tháng 6/2023, tức là sớm hơn nửa năm.

Đại diện UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM được giao là đầu mối chuẩn bị dự án và phối hợp với các địa phương trong khu vực để khẩn trương chuẩn bị và báo cáo kịp thời Chính phủ và hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội và dự án đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

Dự án đường Vành đai 3 có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông, góp phần cho TP.HCM, cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thêm một bước để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và mở ra không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp cho TP.HCM tiếp tục giữ được vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.

20220716102508-28vanh-dai-3-4903-1657979387.jpg
Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn qua tỉnh Bình Dương dài 15,3km đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn (ảnh) đã đưa vào khai thác.

Đề cập đến mốc tiến độ thực hiện dự án, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, để khởi công sớm hơn so với kế hoạch 6 tháng, TP.HCM và 3 tỉnh có dự án đi qua đã thống nhất đề xuất Chính phủ xin thêm cơ chế thực hiện.

Cụ thể, 4 tỉnh, thành đề xuất Chính phủ cho triển khai đồng thời các công việc gồm thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả; phê duyệt dự án; điều chỉnh cục bộ quy hoạch, quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường... để rút ngắn thời gian thực hiện.

Về giải phóng mặt bằng, 4 địa phương đề xuất cho làm đồng thời các công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Các công việc khác như xác định nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng được đề xuất làm cùng một lúc.

20220716102513-28vanh-dai-3tphcm-1657979387.jpg
Sơ đồ tuyến vành đai 3 TPHCM. Ảnh: VTV

Nếu các đề xuất này được thông qua thì dự án có thể khởi công vào tháng 6/2023 (sớm hơn nửa năm so với kế hoạch trước đây). Được biết, ngày 15/7, TP.HCM tiếp tục làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An để bàn thảo và thống nhất các kế hoạch thực hiện Dự án đường vành đai 3 trong thời gian tới.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, tại hội nghị, TP.HCM đã ra mắt Ban Chỉ huy, Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và Hội đồng cố vấn dự án Vành đai 3 TP.HCM. Ban chỉ đạo triển khai 2 dự án thành phần qua địa bàn Thành phố thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Ban Chỉ đạo gồm 16 thành viên do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo là cơ quan đầu mối phối hợp với tổ công tác Chính phủ và cùng với bộ ngành giải quyết các vấn đề chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh.

Ban Chỉ huy gồm 16 thành viên do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan làm trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy là giúp Ban Chỉ đạo điều hành, điều phối các nguồn lực và đôn đốc sở ngành thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án; theo dõi, giám sát kế hoạch, tiến độ chi tiết… xử lý hoặc đề xuất kịp thời các vấn đề phát sinh để báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo.

Hội đồng cố vấn dự án gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ phản biện, góp ý phương án, đề xuất giải pháp tối ưu để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư. Ý kiến của Hội đồng là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo quyết định các vấn đề quan trọng của dự án. Hội đồng cố vấn sẽ tư vấn, phản biện, góp ý phương án, đề xuất giải pháp tối ưu và nhận diện các vướng mắc phát sinh, kịp thời tư vấn cho UBND TP.HCM và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng có quyết định giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố làm nhiệm vụ Chủ đầu tư hai dự án thành phần qua địa bàn. Giao Chủ đầu tư khẩn trương rà soát, bổ sung nhân sự trực tiếp tham gia dự án, đáp ứng năng lực, trình độ... để triển khai nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ đề ra.

Anh Vân (t/h)