Đề xuất cơ chế đặc biệt thúc đẩy Dự án đường Vành đai 3 cán đích đúng hẹn

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Chính phủ, triển khai nghị quyết số 57 của Quốc hội với chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM với nhiều cơ chế đặc biệt.

Theo đó, đường Vành đai 3 theo bản đồ quy hoạch sẽ đi qua địa phận của 4 tỉnh, bao gồm: Đồng Nai, Long An, Bình Dương và TP.HCM. Tổng chiều dài tuyến đường là 97,7km.

untitled-3-1659585013.png
Đường Vành đai 3 TP.HCM dự kiến đi vào vận hành từ năm 2026.

Đường Vành đai 3 TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh năm 2013. Dự án hạ tầng giao thông xây dựng tuyến đường do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản. Thực hiện dự án là Tổng Công ty Đầu tư, phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long).

Tổng vốn đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 tại thời điểm công bố phê duyệt dự án năm 2011 là 55.805 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí xây cầu vượt). Dự án xây dựng thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ và vốn ODA.

Tuy nhiên, theo tờ trình mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ chia làm 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án sẽ là một dự án thu hồi đất trên địa bàn 1 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố.

Cụ thể, Dự thảo cho phép chủ tịch các tỉnh, thành phố thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư, với trình tự thủ tục như dự án nhóm A. Áp dụng hình thức chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong vòng 2 năm.

Trong đó, đáng chú ý là dự thảo đề xuất Chủ tịch UBND các tỉnh, thành được triển khai đồng thời một số công việc liên quan tới bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

ban-do-quy-hoach-duong-vanh-dai-3-tphcm-1659585013.jpg
Bản đồ quy hoạch tuyến đường Vành đai 3.

Các thủ tục để thực hiện dự án sẽ triển khai đồng thời nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, khảo sát, lập và thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ quy hoạch có liên quan dự án; lựa chọn nhà thầu…

Cơ chế này sẽ giúp đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của dự án, tương tự với các nội dung tại nghị quyết trước đó đã được Chính phủ cho phép triển khai như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1…

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, các dự án có quy mô lớn sẽ triển khai đồng loạt từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Các tỉnh lân cận sẽ triển khai nhiều dự án cao tốc. Trong khi nguồn vật liệu thông thường của dự án được lấy chủ yếu từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM, nên sẽ gặp những khó khăn về nguồn cung là điều tất yếu. chính vì vậy, việc áp dụng cơ chế đặc thù về vật liệu xây dựng sẽ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao, hoàn thành đúng tiến độ cho dự án.

Thiên Kim - Lê Thuận