Đồng Tháp: Phát triển sản xuất lúa theo hướng an toàn, chất lượng

Vụ lúa Đông Xuân năm 2021-2022, tỉnh Đồng Tháp xuống giống hơn 183 nghìn ha, đạt hơn 96% so với kế hoạch; trong đó thu hoạch gần 5 nghìn ha, năng suất bình quân hơn 6,6 tấn/ha.

Mục tiêu cho vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, tỉnh Đồng Tháp phát triển sản xuất lúa theo hướng an toàn thực phẩm, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của nông dân. Tỉnh phấn đấu thực hiện đạt "mục tiêu kép" vừa đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, vừa khắc phục khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Vụ Đông Xuân 2021-2022 tỉnh Đồng Tháp sử dụng giống lúa xác nhận, ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao, hạt tròn, nếp, một ít giống lúa chất lượng trung bình, giống có thời gian sinh tưởng từ 90 – 105 ngày, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh.

Đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá như: giống lúa OM18, Đài thơm 8, IR50404, OM5451, OM6976, OM4900... Giống bổ sung như OM576, VD20, OM7347, Jasmine 85, Nàng Hoa 9...

Đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu, tỉnh ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao như giống lúa: OM18, OM4900, OM6976, OM4218, OM5451, Đài thơm 8, Jasmine 85; giống bổ sung: OM7347, VNĐ95-20, Nàng Hoa 9, OM6162, VD20, RVT, OM9582...

l1-1643105259.jpeg
Ảnh minh hoạ

Để đạt hiệu quả cao về năng suất, chất lượng hạt lúa, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục nhân rộng mô hình 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, khuyến khích mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP; thông tin tuyên truyền các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện dự án VnSAT, dự án ICRSL (dự án WB9). Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên cây lúa.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, diện tích lúa Đông Xuân đang phát triển tốt, nhưng để ngăn ngừa phòng sâu bệnh cho lúa từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp khuyến cao bà con trồng lúa nên áp dụng một số biện pháp có biện pháp xử lý kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Nông dân có thể phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở giai đoạn trỗ lẹt xẹt và trỗ đều; tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc. Ở các ruộng đã bị nhiễm muỗi hành cần tiếp tục được chăm sóc, tăng cường dinh dưỡng để lúa mau phục hồi, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ vì không mang lại hiệu quả cao. Nông dân không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng cho lúa ít nhất 20 ngày trước thu hoạch nhằm bảo đảm thời gian cách ly, an toàn thực phẩm.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có số mô hình sản xuất lúa thông minh ở nhiều hợp tác xã cho nhân rộng trong vụ Đông Xuân, các mô sản xuất lúa sử dụng thiết bị bay không người lái trong xử lý dịch hại, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng máy cấy lúa… góp phần giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng lợi nhuận trong vụ lúa Đông Xuân 2021-2022./.