Năm 2014, Đắk Lắk mới chỉ có 164 hợp tác xã nông nghiệp với 30.260 thành viên tham gia. Sau hơn 10 năm phát triển, toàn tỉnh đã có tới 554 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, với trên 16.200 thành viên tham gia hoạt động. Con số này chiếm hơn 68,9% tổng số hợp tác xã trên toàn tỉnh.
Một trở ngại đó là vốn điều lệ của các hợp tác xã nông nghiệp ở Đắk Lắk hiện nay tương đối thấp, bình quân khoảng 1 tỷ đồng/hợp tác xã nhưng đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Ông Lê Văn Dần - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh cho biết: “Sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp là yếu tố thúc đẩy nguồn lực hoạt động của hợp tác xã. Từ đầu năm 2024, Liên minh hợp tác xã tỉnh vừa kết nối với một doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp và tiêu thụ lúa gạo cho 9 hợp tác xã của tỉnh, tương đương với 2.000ha”.
Hiện nay, Liên minh hợp tác xã tỉnh đang kết nối Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Thăng Bình I (huyện Krông Ana) để liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 170 ha lúa. HTX dịch vụ Nông nghiệp Thăng Bình I là một trong những hợp tác xã điển hình của huyện Krông Ana. Đối với việc này, đơn vị có những bước phát triển rõ rệt cũng như nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ các xã viên và thành viên liên kết.
Ông Đoàn Công Bình - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I cho biết thay đổi tư duy của bà con nông dân là việc khó khăn nhất. Đó là phải từng bước giúp bà con chuyển từ sản xuất cá thể nhỏ lẻ, tự phát, sang liên kết sản xuất tập trung, đồng bộ, đúng quy trình, có tổ chức và tuân thủ cam kết trong sản xuất. Quan trọng hơn, nông dân không chỉ được nghe mà còn phải thấy được hiệu quả thì mới tạo được sự thuyết phục để họ tham gia liên kết.
Trong 40 năm qua, đã có tổng diện tích 653 ha, trên 6 tỷ đồng vốn điều lệ 22 thành viên chính thức và 700 thành viên liên kết đã gia nhập HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình I. Trong quá trình triển khai liên kết tại vùng sản xuất, hợp tác xã lựa chọn một nhóm nông dân tiên phong trong việc chuyển đổi cách làm nông nghiệp mới. Tại đây, HTX hỗ trợ nông dân về vật tư sản xuất, dịch vụ trồng trọt với giá thấp hơn thị trường. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn. Kết quả cho thấy HTX đã mở rộng thành công vùng liên kết sản xuất theo hướng bền vững.
Để xây dựng được một hợp tác xã có nội lực mạnh cần có đội ngũ nhân sự nhạy bén, biết nắm bắt các cơ hội từ thị trường, vững vàng về mặt khoa học kỹ thuật và biết cách chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh. Đó chính là công thức phát triển hiệu quả giúp HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena gặt hái được nhiều thành công.
Ban đầu, HTX tập trung vào việc kinh doanh 2 nhóm sản phẩm tinh dầu và dầu ép lạnh, được sản xuất tại huyện Cư M’gar và Ea H’leo. Đến tháng 3/2023, HTX mở rộng thêm ngành hàng nông sản khô và tươi. Tính từ thời điểm bắt đầu hoạt động, HTX đã phát triển liên tục cả về cơ cấu thành viên, vùng trồng, quy mô sản xuất cũng như mạng lưới bán hàng. Đến nay, hợp tác xã có 10 lao động thường xuyên, 120 lao động thời vụ, 2 tổ đội sản xuất và 1 tổ hợp tác thành viên. Ngoài ra, hợp tác xã còn có 45 thành viên liên kết, trong đó có 38 thành viên là người dân tộc thiểu số.
Thành công của HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena đó là mở rộng được nhiều vùng liên kết sản xuất ổn định cả trong và ngoài tỉnh. HTX đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Cà phê Thuận An (Đắk Nông), có quy mô liên kết lên đến trên 100 ha. Trong đó, diện tích liên kết trồng nguyên liệu là 57 ha. Bước đầu, hợp tác xã đã hỗ trợ cho bà con nông hộ có tham gia liên kết với HTX bằng cây giống và vật tư .
Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena Tống Thị Hoài Phương cho biết: “Hợp tác xã đã từng bước tiếp cận, kết nối cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh. Sắp tới, hợp tác xã sẽ xây dựng và tham gia hoàn thiện hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh trong năm 2024”./.