Doanh số tiêu thụ ô tô "lao dốc" không phanh, nguyên nhân vì sao?

Khép lại một năm 2022 “rực rỡ” khi doanh số toàn thị trường lần đầu vượt mốc 500.000 xe, nhiều người tin rằng đây là cơ sở để doanh số ô tô tiếp tục “cất cánh” sau này. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó đã gặp trở lại lớn sau khi Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam cùng một số hãng ngoài VAMA công bố doanh số tháng 1/2023. Do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, doanh số ô tô trong nước đã giảm cực mạnh so với tháng liền trước đó.

Doanh số ô tô giảm 50%

Cụ thể trong tháng 1/2023, doanh số của các thành viên thuộc VAMA đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng 12/2022. Nếu tính cả TC Motor (3.496 xe) và VinFast (358 xe), tổng doanh số cũng chỉ là hơn 21.000 xe, giảm gần 28.000 xe so với tháng 12/2022 (49.124 xe), tương đương gần 57%.

Trên hầu hết phân khúc, các mẫu xe được xem là “hot” đều giảm mạnh doanh số. Trong đó, những phân khúc bán chạy nhất trước đây như sedan hạng B hay SUV đô thị cũng ghi nhận nhiều sự xáo trộn. Chẳng hạn, Toyota Vios – mẫu xe có doanh số tốt nhất thị trường Việt Nam năm 2022 chỉ đạt doanh số 275 xe, giảm đến 2.498 xe so với tháng liền trước. Do đó, model này cũng “mất tích” khỏi bảng xếp hạng 10 xe bán chạy nhất thị trường – điều hiếm khi xảy ra.

“Đóng góp” lớn vào màn sụt giảm doanh số chung của toàn thị trường chính là 2 ông lớn Toyota và Hyundai khi mỗi nhà sản xuất này sụt giảm doanh số đến hơn 6.00 xe. VinFast sau một tháng 12 “rực rỡ” với 4.278 xe điện bàn giao cho người tiêu dùng cũng đã sụt giảm 3.920 xe. Ford, Mitsubishi lần lượt sụt giảm doanh số 2.451 xe và 1.911 xe.

Với doanh số 3.496 xe, Hyundai trở thành thương hiệu xe có doanh số tốt nhất tại Việt Nam, kế đến là Toyota với 3.023 xe, Ford đạt 2.360 xe, Kia đạt 2.075 xe và Mazda hoàn tất top 5 với 1.679 xe bán ra.

Nguyên nhân vì sao?

Trong hầu hết báo cáo đưa ra của mình, các hãng sản xuất đều cho rằng việc thời gian bán hàng bị rút ngắn giai đoạn Tết nguyên đán khiến doanh số sụt giảm. Kỳ nghỉ Tết rơi vào cuối tháng 1, đồng nghĩa các hoạt động mua/bán xe gần như bị đình trệ từ nửa sau của tháng.

Thông thường vào tháng Tết, doanh số ô tô tại Việt Nam luôn thấp. Các năm trước, thời điểm này thường rơi vào khoảng tháng 2 nhưng năm nay Tết đến sớm hơn nên “đáy” doanh số lại chính là tháng 1.

Tuy nhiên, một nguyên nhân thấy rõ khác chính là mọi hoạt động chi tiêu, mua sắm của người dân đã có dấu hiệu chậm lại từ cuối năm 2022 và tiếp tục kéo sang năm 2023 này. Cần nhớ, giai đoạn tháng 12/2022 - được xem là giai đoạn “vàng” cho nhu cầu mua xe (trước Tết), doanh số của thị trường ô tô trong nước vẫn giảm 3%.

Việc ngân hàng thắt chặt cho vay tiền tiêu dùng nói chung và mua xe nói riêng, cũng như lãi suất vay tiền ngân hàng tăng cao cũng khiến người dùng phải cân nhắc rất nhiều khi mua xe, ngay cả khi có nhu cầu.

Trước tình trạng này, các hãng ô tô lập tức ồ ạt tung các chương trình kích cầu bán hàng lớn, mong vực lại doanh số cho các mẫu xe của mình. Chẳng hạn, Honda tung chương trình khuyến mại 100% phí trước bạ cho 2 mẫu xe bán chạy nhất là City và CR-V, Toyota cũng giảm giá đến 50 triệu cho mẫu Vios hay Hyundai Santa Fe, Tucson giảm giá đến 50-100 triệu cho khách mua dù chỉ cách đây nửa năm, người dùng còn phải trả một khoản tiền chênh tương tự để sớm nhận xe.

xe-1591165126375-1592091560393-1592091560826232787051-1676820197.jpg

Ảnh minh họa.

Ưu đãi lớn cũng không ăn thua...

Theo ghi nhận thị trường, nhiều đại lý ô tô ở TP.HCM đang trong tình trạng vắng vẻ khách đến hỏi mua hoặc khảo sát giá xe. Thậm chí, không ít đại lý còn vắng bóng nhân viên bán hàng.

"Năm ngoái, đại lý chúng tôi có 4 nhân viên bán hàng nhưng từ đầu năm nay, công ty cắt giảm nhân sự còn một người do ít khách quá. Chỉ có một mình tôi làm việc ở đây mà nhiều khi cũng không có việc gì để làm" - nhân viên kinh doanh của đại lý ô tô ở TP. Thủ Đức, TP.HCM than phiền.

Không chỉ cắt giảm nhân sự, sức mua giảm sâu buộc các hãng xe cũng như đại lý phải liên tục "chạy" chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng. Ngay từ cuối quý IV/2022, hãng Toyota đã đưa ra chương trình giảm giá 15-60 triệu đồng/xe, KIA giảm 5-55 triệu đồng/chiếc, Mazda giảm 10-99 triệu đồng/chiếc, Honda giảm 65-100 triệu đồng/xe. Tuy thế, đến đầu năm 2023, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí tiếp tục suy giảm.

Ông Hứa Thái Hùng, quản lý đại lý ô tô tại TP.HCM cho hay, ngoài giảm giá xe từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi chiếc, các đại lý còn tặng thêm gói phụ kiện gồm hàng chục món với trị giá lên đến hàng chục triệu đồng và miễn lệ phí trước bạ song khách hàng vẫn chưa mấy mặn mà.

Một số đại lý ô tô phản ánh xe tồn kho hiện rất lớn. Lý do là từ giữa năm 2022, khi tình hình đứt gãy nguồn cung được cải thiện, các hãng ồ ạt giao xe cho đại lý theo đơn đặt hàng trước đó, dẫn đến tình trạng "bội thực" nguồn cung. Các đại lý chịu áp lực lớn vì nếu không bán hết mẫu xe đời 2022 thì ôm lỗ lớn bởi mẫu đời 2023 đang được tung ra.

Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam, cho hay sức mua ô tô có dấu hiệu giảm từ 2 tháng cuối năm ngoái dù thời điểm cuối năm thường ghi nhận sức mua tăng. Sở dĩ doanh số bán xe cả năm 2022 trên toàn quốc tăng mạnh là bởi sức mua trong 3 quý đầu năm rất tốt sau thời gian thị trường bị đóng băng do dịch COVID-19 bùng phát.

"Kinh tế trong nước khó khăn, lãi suất ngân hàng ở mức cao đã nhanh chóng kéo sức tiêu thụ ô tô từ cuối năm ngoái đến nay giảm xuống. Dù lãi suất có giảm thì khách hàng vẫn cân nhắc thiệt hơn khi mua xe vào thời điểm này bởi sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính", ông Quyết nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Ngân Hà, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ô tô tại TP.HCM cho rằng, mức lãi suất hỗ trợ khách hàng khoảng 9%/năm chưa đủ để hấp dẫn người mua. Đa phần khách hàng chờ lãi suất giảm xuống khoảng 5% - 6%/năm mới dám "xuống tiền" mua xe. Bởi vậy, thị trường khá ảm đạm, bên bán phải chấp nhận lỗ để xả hàng nếu không muốn ôm nợ ngân hàng với lãi suất cao.

Cần kích cầu bằng chính sách

Theo phân tích của các doanh nghiệp (DN), căn cứ thực tế thị trường ôtô những tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường cả năm 2023 dự báo sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với năm ngoái. Trong 5 năm tới, thị trường ô tô có nguy cơ giảm 37% sản lượng tiêu thụ nếu không có những giải pháp hỗ trợ trong trung hạn. Điều này đồng nghĩa tốc độ "ô tô hóa" của Việt Nam sẽ chậm lại so với dự kiến, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô.

Các DN cũng cho rằng doanh số tiêu thụ ôtô ấn tượng trong năm 2022 có được là nhờ lực đẩy từ chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022. Động thái này đã kịp thời chặn đà suy giảm doanh số bán hàng trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường và khủng hoảng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu rõ nét hơn.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Cơ khí Việt Nam, đánh giá trong giai đoạn 2020-2022, nhờ các chính sách giãn, hoãn nộp các loại thuế, phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất, các DN ô tô đã có thêm thời gian cân đối nguồn vốn, bảo đảm thu - chi để tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường. Tuy vậy, các chính sách hầu như chỉ áp dụng riêng lẻ trong thời gian ngắn nên tác động chưa đủ sâu rộng nhằm tạo được bản lề vững chắc để DN hồi phục hoàn toàn sau dịch COVID-19 và có nguồn lực ứng phó với thách thức mới từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Cũng theo ông Đào Phan Long, dù thị trường gặp khó song nhiều DN ô tô đã và đang mở rộng sản xuất, gia tăng số lượng mẫu mã xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Điều này giúp giải quyết nhu cầu lao động cũng như thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ. Để hỗ trợ tốt nhất cho DN sản xuất ôtô trong nước, nhà nước cần có những phản ứng chính sách kịp thời, thiết thực. Chẳng hạn, xem xét ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm 2023; hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ ít nhất trong 1 năm...

Thi Nguyên (t/h)