Doanh nghiệp Thanh Hóa ứng dụng chuyển đổi số nâng cao giá trị kinh doanh

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp Thanh Hóa đang nỗ lực chuyển đổi số, nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh.
chuyen-doi-so-1-1722051883.jpg
Tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số.

Thanh Hóa là một trong những tỉnh sớm ban hành nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Trong đó, có 3 chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số (hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số cho doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa; hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số) nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định của Chính phủ, văn bản hướng dẫn có liên quan.

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ số là khối doanh nghiệp tài chính ngân hàng. Những năm qua, các ngân hàng đã tích cực ứng dụng công nghệ số nhằm tăng trưởng doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.

Thực hiện chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, mở thẻ thanh toán, cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử Agribank Plus... Bên cạnh đó, Agribank cũng đẩy mạnh các chương trình hợp tác, cung ứng các dịch vụ liên kết như chi trả lương, thanh toán tiền điện, nước, hóa đơn, thu hộ, chi hộ bằng các hình thức thanh toán điện tử.

Để mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank chi nhánh Thanh Hóa đã đầu tư lắp đặt thêm hệ thống 41 máy ATM, CDM, 250 máy POS và mở rộng hàng nghìn điểm thanh toán qua QR-Code, VietQR...

Ông Lê Trọng Nghĩa, trú tại phường Quảng Thắng cho biết: "Nhờ chuyển đổi số nên tôi không phải đi nộp học phí hay tiền điện tiền nước nữa, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, có tiền trong tài khoản là thực hiện được, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại”.

Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình sản xuất, phân phối, bán hàng... Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần gia tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn “mơ hồ”, chưa chủ động trong việc ứng dụng chuyển đổi số để bắt nhịp cùng cuộc sống thời đại.

chuyen-doi-so-2-1722052040.jpg
Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh.

Ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa cho biết: “Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như: lĩnh vực nội dung, thương mại điện tử, du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp tự động hóa và đặc biệt là tài chính - ngân hàng. Song, các lĩnh vực: nông nghiệp, chế biến, chế tạo có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số còn thấp”.

Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 20.000 nhỏ và vừa, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi số trên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế đạt 29,65%, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 5.550 doanh nghiệp được tham gia khảo sát, đánh giá mức độ hoàn thành chuyển đổi số, 337 doanh nghiệp công nghệ số theo quy định của Bộ TT&TT.

Cùng với đó, hoạt động kinh tế số với nhiều giải pháp được triển khai như: Giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền chống thất thu thuế, thất thu ngân sách, đã có 54.620 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền với hơn 342,78 triệu hóa đơn. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn bước vào giai đoạn chuyển đổi số, với trọng tâm là công tác số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số, tiến tới chuyển đổi số trên phạm vi rộng và đồng bộ hơn./.

Hà Khải