Chuyển đổi số - khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hóa

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể nhằm phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Qua đó, tạo bước đột phá, mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại Thanh Hóa. Giúp người dân nơi đây dễ dàng tiếp cận và xử lý thông tin nhanh chóng, mang lại cuộc sống tốt đẹp, tiện ích hơn.
2-1719451136.jpg
Chuyển đổi số giúp người dân truy xuất nguồn gốc nông sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhận định: “Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành”.

Đón đầu xu thế chuyển đổi số

Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời, nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Thanh Hóa, nhằm hiện thực hóa các Chỉ thị, hướng dẫn của TW và Chính phủ về chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhận định, đây được xem là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Quá trình triển khai thực hiện cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tận dụng tối đa cơ hội, điều kiện thuận lợi để đi nhanh, đi trước, không để bị tụt hậu.

Theo đó, Thanh Hóa xây dựng trên 3 trụ cột chính về chuyển đổi số: Đó là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính phủ số đã có bước đột phá quan trọng, đưa xứ Thanh xếp thứ 16 cả nước về mức độ xây dựng chính quyền số, xếp thứ 14 về kinh tế số và thứ 13 về các hoạt động xã hội số.

Để đẩy nhanh số hóa trong nhân dân. Những năm gần đây, Thanh Hóa đã đưa ra nhiều mô hình chuyển đổi số như mô hình: “Ngày không bút”; mô hình “tuyến phố 0 đồng”; mô hình “Thôn thông minh”. Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, giúp người dân, doanh nghiệp bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ số, mang lại cuộc sống tốt đẹp, tiện ích hơn.

chuyen-doi-so-thanh-hoa-1-1719451205.jpg
Toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP, hơn 12 nghìn sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)

Đến nay, toàn tỉnh có đã có 479 sản phẩm OCOP, hơn 12 nghìn sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử khác; đưa 805 sản phẩm lên Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa; cung cấp hơn 104.625 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 870.650 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận và tìm ra giải pháp chuyển đổi số phù hợp với đơn vị mình, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã phối hợp với Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Mobifone tổ chức hội nghị hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực sản xuất, du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức hội nghị hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện về chuyển đổi số; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành khảo sát 50 doanh nghiệp về nhu cầu và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, từ đó giúp tư vấn các giải pháp CĐS phù hợp...

Phát huy sức mạnh nhờ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Xác định chuyển đổi số vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp, do đó, trong định hướng CĐS toàn diện của tỉnh, các chỉ tiêu, chính sách, giải pháp đều lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4216/QĐ-UBND về kế hoạch CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là các cửa mở ra thời đại số hóa với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số...

Ông Nguyễn Viết Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hải Long (huyện Như Thanh) chia sẻ: “Chuyển đổi số giúp chúng ta quản lý dữ liệu dễ dàng hơn, người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”.

1-1719451237.jpg
Mô hình thanh niên chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, du lịch tại Sầm Sơn.

Không chỉ có vậy, chuyển đổi số cũng giúp người dân, doanh nghiệp không phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần. Cán bộ, người quản lý của cơ quan nhà nước cũng không phải nhập lại thông tin khi thao tác nghiệp vụ trên nhiều phần mềm. Việc khai thác các dữ liệu dùng chung sẽ làm giảm việc đầu tư trùng lặp, gây lãng phí và cho phép cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài phục vụ khu vực tư để xây dựng, phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ mới cho xã hội.

Xác định chuyển đổi số không chỉ là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, là trách nhiệm của các cấp chính quyền, mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, trong định hướng xây dựng chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, các chỉ tiêu, chính sách, giải pháp đều lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số. Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Thanh Hóa cần thêm sự nhập cuộc chủ động, tích cực hơn nữa của đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp... trên địa bàn toàn tỉnh để tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa Thanh Hóa phát triển đột phá./.

Hà Khải