Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, đã tạo là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng tiếp cận với môi trường kinh doanh năng động, minh bạch, với chất lượng hàng hóa và dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều thách thức mà các DN, cần phải nhận diện để sẵn sàng “đối mặt”.
Tại Thanh Hóa, trong những năm qua, với sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện về mặt phát lý, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tận dụng thời cơ từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường “ khó tính” tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hà Quốc...
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, giá trị hàng hóa xuất khẩu (XK) của tỉnh gần đây dao động từ 5,3 - 5,4 tỷ USD/năm. 10 tháng năm 2023 kim ngạch XK hàng hóa của các DN đạt 4,26 tỷ USD.
Đặc biệt, trong những năm thế giới phải “gồng mình” đối diện với nạn dịch Covid 19, khi các nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng. Nắm bắt thời cơ, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã để đưa mặt hàng của mình cạnh tranh sòng phẳng tại các thị trường khó tính. Tỷ lệ hàng hóa XK chính ngạch đã tăng lên đến mức tối đa, với con số đạt tới 99% tổng giá trị hàng hóa XK.
Sự ổn định về thị trường, giá của thị trường chính ngạch đã từng bước khẳng định chất lượng sản phẩm trong những năm qua không ngừng được nâng cao, từ đó tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp trong tỉnh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, sau khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, doanh nghiệp đã đầu tư nâng cao chất lượng đáp ứng các tiêu chí “xuất ngoại”. Chỉ trong vài năm gần gây đã ghi nhận sự chinh phục của một số mặt hàng sản xuất tại Thanh Hóa đối với nhiều thị trường khó tính
như: XK vải không hạt của Công ty Hồ Gươm – Sông Âm sang Vương quốc Anh, Nhật Bản; XK nước mắm và mắm tôm đi thị trường Hoa Kỳ; XK các mặt hàng thủy sản sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Panama...
Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa có thế mạnh XK ngao nhiều năm nay. Để nâng cao tiêu chuẩn vùng nguyên liệu, năm 2020 DN đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng thủy sản bền vững thuộc Hội Nghề cá Việt Nam (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) và các hộ dân vùng ngao Kim Sơn (Ninh Bình) xây dựng vùng ngao theo chứng nhận bền vững ASC.
Cuối năm 2022, Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu Control Union đã trao chứng nhận ASC cho hơn 889 ha ngao Meretrix Lyrata thuộc vùng nguyên liệu Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong chuỗi liên kết của DN. Đây là vùng nuôi ngao thứ 2 ở Việt Nam và cũng là vùng nuôi ngao thứ 2 thế giới có được chứng nhận cấp quốc tế cao cấp này, mở ra cơ hội lớn trong việc định danh sản phẩm ngao Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở các mặt hàng thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ và mặt hàng xây dựng cũng chiếm lĩnh trên thị trường ngoại như các sản phẩm từ cói của công ty XNK Việt Anh, gạch men của Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza...
Tại Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza, nhờ đầu tư cho công nghệ sản xuất sâu cùng phương pháp quản lý chất lượng tối ưu, DN đã trở thành bạn hàng của Hoa Kỳ từ 3 năm nay. Để thâm nhập thị trường với các dòng sản phẩm cao cấp hơn, mới đây, DN đã đầu tư thêm 10 triệu USD để trang bị thêm một số thiết bị công nghệ cao từ Italia; đồng thời, thuê chuyên gia người Ấn Độ trực tiếp giám sát công nghệ sản xuất, sản phẩm làm ra đều đạt chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn tại thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ.
Thanh Hóa có rất nhiều cơ hội, tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác thương mại; đặc biệt đối với XK, hàng trăm mặt hàng nông sản hiện đã được các DN Thanh Hóa quan tâm đầu tư quy trình sản xuất, đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng, như thủy hải sản, dưa lưới, dưa chuột, dưa vàng, nước mắm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, thảm cói, chiếu cói, các sản phẩm dược liệu như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, tổ yến...
Theo thống kê, hiện nay Thanh Hóa có hơn 200 DN tham gia sản xuất hàng hóa XK và 55 chủng loại hàng hóa được XK đến 53 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa XK nói chung của Thanh Hóa sang các thị trường khó tính còn rất nhiều dư địa, điển hình như thị trường Mỹ mới chiếm khoảng 12%, Hàn Quốc 7%, Nhật Bản mới chỉ chiếm khoảng 3,4% trong giá trị XK toàn tỉnh.
Theo khảo sát của Sở Công Thương, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng XK của Thanh Hóa đạt kết quả khá ấn tượng. Mặc dù từ nửa cuối năm 2022 đến nay, XK gặp khó khăn chung do suy giảm tiêu thụ toàn cầu nhưng XK Thanh Hóa vẫn duy trì tốt. Tuy nhiên, kim ngạch XK hàng hóa của tỉnh chủ yếu tập trung cao ở các mặt hàng truyền thống như may mặc, giày da (chiếm tới hơn 60%) và các mặt hàng dăm gỗ, đá... Hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhiều tiềm năng hiện vẫn chưa chú trọng tập trung khai thác.