Doanh nghiệp 'đuối sức' cần trợ lực từ các chương trình hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão số 3

Chuyên gia kinh tế nhận định, việc tái thiết nền kinh tế sau bão lũ không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính mà còn cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng. Chính phủ cần tiếp tục các nỗ lực cải cách hành chính, đảm bảo rằng các chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng và kịp thời.
ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-bao-so-3-2-1728608678.jpg
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, gián đoạn, doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng rơi vào tình trạng "đuối" hơn.(Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng rơi vào tình trạng "đuối" hơn

Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, sự tàn phá của cơn bão số 3 đã tác động nặng nề, làm đình trệ nghiêm trọng nhiều hoạt động kinh tế, cản trở quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa tại nhiều địa phương, kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Con số thiệt hại chính thức đến nay chưa có, các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình thu thập, thống kê nhưng nhưng hậu quả của bão có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 giảm từ 0,18 đến 0,2% GDP.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, T.S Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, siêu bão Yagi đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, nhất là tại một số địa phương tâm bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái… Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, gián đoạn, doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng rơi vào tình trạng "đuối" hơn.

Chia sẻ với về những thiệt hại sau bão, bà Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Bình Minh (Quảng Ninh) cho biết, toàn bộ hơn 20 chiếc tàu của công ty bị thiệt hại nặng, khó khôi phục. Bên cạnh đó, 2 nhà hàng, trung tâm dịch vụ bị tốc mái và sập tường. Tổng thiệt hại của doanh nghiệp này lên đến gần 50 tỷ đồng. "Công ty phải vay ngân hàng khoản tiền lớn để đầu tư kinh doanh nhưng cơn bão đã tàn phá tất cả. Hiện chúng tôi rất cần nguồn vốn để khôi phục lại hạ tầng để hoạt động", bà Minh lo lắng cho biết.

ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-bao-so-3-3-1728608718.jpg
Sự tàn phá của cơn bão số 3 đã tác động nặng nề, làm đình trệ nghiêm trọng nhiều hoạt động kinh tế, cản trở quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa tại nhiều địa phương, kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Là DN sản xuất linh kiện cơ khí đang tập trung để hoàn thành 4 đơn hàng để bàn giao vào cuối năm nay, tuy nhiên bão số 3 đã làm cho hệ thống nhà xưởng của Công ty Cơ khí SKD Việt Nam thiệt hại nặng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiến độ giao hàng.

“Công ty phải sắp xếp lại các tổ sản xuất để bảo đảm hoạt động được thông suốt. SKD Việt Nam đang phấn đấu để không ảnh hưởng tới tiến độ các đơn hàng và kế hoạch giao hàng đã ký kết với đối tác, nhưng để thực sự hồi phục sẽ phải mất khoảng 1 - 2 tháng nữa”, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc SKD Việt Nam cho biết.

Bão số 3 hướng thẳng vào Quảng Ninh đã khiến hàng loạt dự án nhà ở của Công ty CP Tập đoàn TASECO bị hư hại. Ông Đỗ Việt Thanh, Phó TGĐ TASECO thông tin, dù có kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhiều tòa nhà ven biển, sử dụng toàn bộ kính chất lượng tốt nhất và đã chuẩn bị kỹ nhất những biện pháp ứng phó để hạn chế sức tàn phá của bão, nhưng thực tế khi cơn bão quét qua tất cả đã bằng 0.

Chính vì thế hiện nay, các khách hàng mua nhà của TASECO đang mong mỏi từng ngày nhận được hỗ trợ từ phía ngân hàng. Ông Thanh cho biết, DN đã gửi văn bản đến 35 chi nhánh ngân hàng đề xuất được miễn giảm lãi vay cho khách hàng mua nhà. Tuy nhiên, sau 20 ngày mới có 1 chi nhánh ngân hàng phản hồi sẽ hỗ trợ, còn các chi nhánh ngân hàng khác nói đang xin ý kiến hoặc không giảm lãi vay…

Về bồi thường bảo hiểm, ông Thanh khẳng định còn gặp nhiều khó khăn khi DN đã có văn bản gửi bên bảo hiểm cho nhân viên xuống kiểm tra, thẩm định và làm thủ tục. Nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình thẩm định thiệt hại khiến DN chưa nhận được bồi thường làm chậm hồi phục sau bão.

“Thiệt hại trước mắt của DN lên tới hàng trăm tỉ đồng. Nếu thời gian hoạt động trở lại chậm, DN sẽ mất cơ hội, dòng tiền và chi phí nhân công. DN mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân thương mại hàng nhanh chóng hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng của bão”, ông Thanh bày tỏ.

ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-bao-so-3-1-1728608756.jpg
Nhiều DN gặp khó khăn khi cần vay vốn cho sản xuất sau bão số 3. (Ảnh minh họa)

Theo thông tin được tổng hợp từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hoá…"Phần lớn các doanh nghiệp khác tại các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng gián tiếp như phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hoá không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng", VCCI nhấn mạnh.

Linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp về vốn và đơn giản thủ tục hành chính

Ngay sau bão số 3, để khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả và yêu cầu rà soát, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp. Không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa...

Thủ tướng giao Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các DN, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiêu dùng; khai thác tối đa các thị trường truyền thống và tiếp tục khai mở thị trường mới theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Trước thực trạng của doanh nghiệp, trên cơ sở Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, ngày 18/9, VCCI đã gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi.

VCCI nhận định, việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, người lao động. Đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân.

Theo đó, VCCI đề xuất, miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ hải sản đến hết năm 2025. Cụ thể, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 là dành cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão Yagi, gồm tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển, sông, suối, ao hồ. Các giải pháp được đề xuất gồm các khoản hỗ trợ dựa trên thiệt hại thực tế, do UBND cấp xã và chủ tàu thống kê. Các đề xuất hỗ trợ dưới hình thức miễn tiền thuê mặt nước, miễn các loại phí, lệ phí cũng như đề xuất miễn hoặc giảm các loại thuế được kiến nghị.

Đặc biệt, VCCI đề nghị các giải pháp đề xuất gồm hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được áp dụng cho cả các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ hải sản.

ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-bao-so-3-4-1728608663.jpg
Bão quét qua mạnh mẽ, khiến không ít doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp mất trắng, cần thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, VCCI đề xuất cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời điểm nộp thuế. Theo đó, kiến nghị đưa doanh nghiệp vào nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai. VCCI đề nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu từ mức 10% xuống mức 8% từ tháng 9 – 12/2024 đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, đặc biệt là các địa phương vùng núi phía Bắc.

Đối với các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, VCCI kiến nghị Thủ tướng cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng điện từ mức 8% xuống 6%.

VCCI kiến nghị tiếp tục gia hạn thời điểm nộp thuế GTGT, TNDN và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ sang năm 2025; giãn thời điểm nộp các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội từ 4 đến 6 tháng cho các doanh nghiệp tại các địa phương chịu thiệt hại của bão lũ.

Đặc biệt, VCCI tiếp tục đề xuất giảm 50% kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở cho các doanh nghiệp tại các tỉnh chịu thiệt hại của bão lũ đến hết tháng 12/2024 và giãn thời điểm nộp đến năm 2025.

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc tái thiết nền kinh tế sau bão lũ không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính mà còn cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí không cần thiết cho DN và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng. Chính phủ cần tiếp tục các nỗ lực cải cách hành chính, đảm bảo rằng các chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng và kịp thời.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, DN cũng cần sự giúp đỡ từ các cơ quan địa phương và các tổ chức quốc tế. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, và hỗ trợ DN khắc phục hậu quả sau bão lũ. Các cơ quan này cần phối hợp chặt chẽ với DN để đảm bảo rằng các chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả.

Ngoài ra, việc kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay các tổ chức viện trợ quốc tế cũng là một giải pháp tiềm năng để giúp DN tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật trong việc khôi phục sản xuất./.

Trọng Bình