Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty Điện lực Lào Cai cho biết, việc xây dựng lưới điện thông minh tại Lào Cai sẽ hướng tới mục tiêu như xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin dùng riêng cho hệ thống SCADA, điều khiển và bảo vệ trong hệ thống điện, thao tác đóng cắt từ xa các thiết bị của nhà máy điện và trạm điện đảm bảo an ninh, an toàn, tin cậy phục vụ công tác điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia. Tận dụng tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, đầu tư trang bị và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để phát triển đồng bộ hệ thống SCADA, hệ thống đo đếm và thu thập số liệu đo đếm, hệ thống viễn thông thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng lớn cả về quy mô và tốc độ của hệ thống điện quốc gia, đồng thời đảm bảo hiệu quả trong đầu tư và quản lý vận hành.
Công ty ứng dụng công nghệ trong điều khiển, tự động hóa các trạm điện và trang thiết bị lưới điện để dần chuyển các trạm biến áp từ mô hình có người trực vận hành tại chỗ sang mô hình không người trực vận hành để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả vận hành lưới điện và độ tin cậy cung cấp điện. Hiện đại hóa hạ tầng đo đếm, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, quản lý số liệu đo đếm, giảm thiểu các sai sót chủ quan do con người trong việc đọc, ghi và thu thập số liệu đo đếm, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và đáp ứng các yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển thị trường điện…
Đến nay, tại Lào Cai có 7/7 trạm 110 kV thuộc Điện lực Lào Cai quản lý đã thực hiện kết nối SCADA về trung tâm điều khiển xa. Hiện có 6/7 TBA chuyển sang chế độ vận hành không người trực và 01 TBA vận hành chế độ thao tác xa có giám sát. Ngoài ra, có 2 nhà máy thủy điện trung áp Nậm Nhùn 1 (A20.56); Nậm Khắt (A20.51) có công suất 10-30 MW đang cải tạo hạ tầng để đáp ứng được các điều kiện có thể kết nối về trung tâm điều khiển xa.
Công ty Điện lực Lào Cai đã phối hợp với khách hàng về việc thực hiện kết nối SCADA các thủy điện có công suất lớn hơn và bằng 10MW, đồng thời đã trao đổi và liên lạc với các chủ đầu tư nhà máy điện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID -19, năm 2020 và 2021 các chủ đầu tư nhà máy điện vẫn chưa thực hiện được theo kế hoạch, dự kiến sẽ kết nối SCADA về trung tâm điều khiển từ xa trong quý II năm 2022.
Hiện nay, điện lực Lào Cai đã có 267/333 máy cắt recloser, LBS, tủ RMU được kết nối tín hiệu về trung tâm điều khiển xa với tỷ lệ 80,2%, trong đó ghi nhận phát sinh 235 thao tác từ xa, tất cả đều hoạt động tốt. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trích nộp tự động đạt 58,47%; tỷ lệ công tơ thu thập tín hiệu từ xa đạt trên 98%; số hóa hợp đồng đạt trên 99,7% với 182.703/183.227 hợp đồng. Đến hết tháng 10/2021, Điện lực Lào Cai đã khảo sát hiện trường, vẽ sơ đồ 1 sợi và chuẩn hóa thông tin khách hàng cập nhật lên hệ thống CMIS 2.358/2.358 trạm biến áp; dán tem khách hàng tại 1.452/1.658 trạm biến áp.
Điện lực Lào Cai hiện cũng đang chạy thực tế ứng dụng tự động hoá mạch vòng DMS trên phần mềm SP5 tại trung tâm điều khiển xa thành công 2 mạch vòng (DMS) và dự kiến năm 2022, đăng ký xây dựng thêm 5 mạch vòng. Việc chạy mạch vòng DMS sẽ giúp thực hiện tự động tính toán ra thông báo cho người vận hành khu vực sự cố gây mất điện, khu vực không có sự cố nhưng bị ảnh hưởng mất điện. Từ đó đưa ra các kịch bản để tách điểm sự cố phục vụ sửa chữa, khôi phục cấp điện cho khu vực không có sự cố. Các thao tác diễn ra trong thời gian ngắn hơn, do người vận hành không phải xem sơ đồ vận hành và tính toán bằng tay.
Để hoàn thiện hệ thống lưới điện thông minh, hiện nay điện lực Lào cai đang tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin dùng riêng đáp ứng nhu phục vụ hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu tự động (SCADA).
Từng bước triển khai các Trung tâm điều khiển để thao tác, đóng cắt từ xa các thiết bị trên lưới điện đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức ngành, quy định về phân cấp điều độ, khai thác tối đa hiệu quả của các hệ thống SCADA, hệ thống thông tin viễn thông; ứng dụng công nghệ trong điều khiển, tự động hóa các trạm điện và trang thiết bị lưới điện để dần chuyển các trạm biến áp từ mô hình có người trực vận hành tại chỗ sang mô hình bán người trực vận hành hoặc không người trực vận hành để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả vận hành lưới điện và độ tin cậy cung cấp điện.
Hiện đại hóa hạ tầng đo đếm, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, quản lý số liệu đo đếm, giảm thiểu các sai sót chủ quan do con người trong việc đọc, ghi và thu thập số liệu đo đếm, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và đáp ứng các yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển thị trường điện và có kế hoạch triển khai phù hợp để không gây áp lực lớn tới việc tăng giá điện./.