Dịch COVID-19: Hỗ trợ các hợp tác xã vượt khó

Hệ thống hợp tác xã trên địa bàn Hải Phòng đang chịu thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Với quy mô đa phần đều ở mức vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế nên sức “đề kháng” còn kém... Từ những nhu cầu bức thiết thực tế, thành phố Hải Phòng đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã linh hoạt ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới.
anh-2-2-1637398417.jpg
Các HTX vận tải gặp nhiều khó khăn từ dịch Covid-19

Hợp tác xã Nông Lâm Thủy Hải sản Nam Việt (đội 4, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) được thành lập năm 2018, là doanh nghiệp có hoạt động chính trong mảng nông lâm thủy sản và bán buôn thực phẩm. Được tham quan diện tích trồng chuối và nghe câu chuyện anh Phạm Văn Quyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông Lâm Thủy Hải sản Nam Việt chia sẻ mới thấy hết được khó khăn của doanh nghiệp.

 Như năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch, hơn 30 ha rau củ quả của doanh nghiệp đã chật vật tìm đầu ra; trong đó, hơn 5ha khoai lang đã phải phá bỏ do giá xuống thấp, không đủ chi phí trả cho nhân công thu hoạch. Hơn 2.000 con gia cầm và 4ha ao hồ nuôi trồng cá nước ngọt, tôm đều chịu ảnh hưởng, lỗ vốn.

Ông Phạm Văn Rần, Chủ tịch UBND xã Tây Hưng chia sẻ, Hợp tác xã Nông lâm thủy hải sản Nam Việt dù mới thành lập nhưng có nhiều đóng góp cho nông nghiệp địa phương. Đơn vị đã và đang bao tiêu, hợp tác cùng bà con sản xuất trên 30 ha đất nông nghiệp với các loại cây: chuối, khoai lang, rau củ quả... Trước những ảnh hưởng tiêu cực do dịch gây ra, Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố Hải Phòng đã tích cực hỗ trợ Hợp tác xã Nông lâm thủy hải sản Nam Việt thích nghi, giảm thiểu thiệt hại và tìm hướng kinh doanh trong tình hình mới.

Anh Phạm Văn Quyên cho biết, năm nay, Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố đã hỗ trợ, kết nối giúp doanh nghiệp với các đơn vị bạn tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình tiêu thụ được số lượng lớn chuối và các nông sản khác nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Cùng với đó, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã thành phố, doanh nghiệp đã được vay 700 triệu đồng với lãi suất thấp để tái sản xuất.

Cùng chung khó khăn như Hợp tác xã Nông lâm thủy hải sản Nam Việt, Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên (xóm 3, thôn Xuân Hưng, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) cũng lao đao vì dịch. Vùng Chấn Hưng gồm 5 xã Bắc Hưng, Nam Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng và Tiên Hưng, thuộc huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng nổi tiếng với sản phẩm trứng vịt.

 Đây cũng là vùng nuôi vịt đẻ lớn nhất của thành phố Hải Phòng với tổng đàn vịt thường xuyên trên 60.000 con. Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên hiện là đơn vị bao tiêu, tiêu thụ chính cho bà con nuôi vịt trong vùng. Bình quân mỗi ngày, đơn vị thu mua 2 vạn quả trứng vịt, gà các loại. Sản phẩm trứng sau khi được Hợp tác xã đứng ra thu gom đa số được cung cấp đến các bếp ăn tập thể, các chợ đầu mối, đại lý và các nhà máy sản xuất bánh kẹo…

 Anh Nguyễn Văn Chiêu, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên cho biết, do ảnh hưởng của dịch, giá trứng vịt giảm từ 30-40%, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi lại tăng. Cùng với đó, việc vận chuyển, thông thương khó khăn, nhu cầu thị trường biến động đã khiến tình hình kinh doanh gặp nhiều biến động tiêu cực.

Anh Chiêu chia sẻ thêm, trong lúc khó khăn, đơn vị cũng đã nhận được nhiều hoạt động chia sẻ thiết thực từ Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố. Doanh nghiệp cũng đã được vay 500 triệu đồng với lãi suất thấp để tái sản xuất; cán bộ, nhân viên công ty được tham gia các lớp đào tạo về nghiệp vụ kế toán, quản lý giúp đơn vị nâng cao năng lực trong quản lý kinh doanh. Ngoài ra, liên minh cũng đã tích cực giúp đỡ kết nối thị trường giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.

Theo ông Lương Minh Huệ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố Hải Phòng, liên minh hiện có 280 đơn vị thành viên; trong đó, có 191 hợp tác xã và 89 doanh nghiệp. Không chỉ có các hợp tác xã trong mảng nông lâm nghiệp gặp khó khăn mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, vận tải, thương mại, dịch vụ, tín dụng... cũng đều gặp khó khăn tương tự.

 Để đồng hành cùng các hợp tác xã, doanh nghiệp vượt khó, Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố Hải Phòng đã tích cực hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, đặc biệt việc tiêm phủ vaccine đang được thực hiện triệt để đối với các hợp tác xã, trong đó có hợp tác xã vận tải.

Cùng với đó, liên minh tư vấn, phối hợp với các sở, ngành giải quyết dứt điểm các kiến nghị, vướng mắc của thành viên về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thuế, tín dụng... Liên minh cũng phát huy vai trò làm cầu nối các hợp tác xã thành viên giữa các tỉnh, thành phố khác nhau, giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, từ đó giúp các đơn vị phân phối, mở rộng thị trường.

Ông Lương Minh Huệ cũng cho biết, để chia sẻ khó khăn với các hợp tác xã, với nguồn kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, từ đầu năm đến nay liên minh đã hỗ trợ cho 24 đơn vị vay vốn với số kinh phí 15 tỷ đồng. Đây là điều kiện tốt để các đơn vị có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất.

Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố Hải Phòng cũng đã có đề xuất lên Liên minh Hợp tác xã Việt Nam một số chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương trong thời gian tới như hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để kịp thời tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị, để thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay.

 Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục hành chính, các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đơn vị để nhanh chóng được tiếp cận các gói hỗ trợ; tổ chức kết nối ngân hàng và doanh nghiệp cho vay vốn để duy trì, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, xem xét, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 của các hợp tác xã trong tất cả các lĩnh vực, giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với các hợp tác xã, miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020, 2021 do dịch bệnh COVID-19 đối với các hợp tác xã (phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020) và giảm tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giảm chỉ phí liên quan đến vận chuyển hàng hóa./.