Mang lại cuộc sống hạnh phúc cho những con người
Theo KTS Hoàng Thúc Hào – Phó chủ tịch hội KTS Việt Nam, Sáng lập VP thiết kế 1+1>2 đã đưa ra quan điểm cốt lõi bản địa và tiếng nói cộng đồng tạo thành một sự hợp nhất. Yếu tố hiện đại của công nghệ hợp trội với tinh thần bản địa, hàn lâm tiếp biến dân gian, vật liệu truyền thống song hành cùng vật liệu cải tiến nhằm tạo nên một bản nhạc chung là những công trình kiến trúc mang tính nhân văn, có hồn và có chiều sâu
“Mọi thứ là kiến trúc và kiến trúc cũng có thể là mọi thứ. Quan điểm này được thể hiện một cách tự nhiên trong những công trình của văn phòng 1+1>2, đặc biệt là những công trình cộng đồng như Làng đất Nậm Đăm hay Làng cộng đồng Bát Tràng… với mục tiêu mang lại cuộc sống hạnh phúc cho những con người sinh hoạt trong không gian đó”, KTS Hoàng Thúc Hào nhìn nhận.
Với tâm huyết và những trăn trở về “kiến trúc hạnh phúc”, KTS Hoàng Thúc Hào đã phân tích cách thức ứng xử đúng đối với di sản, tiếp biến linh hoạt với các yếu tố kinh tế, xã hội học và văn hóa, hội tụ các nguồn lực khác nhau để thúc đẩy và phát triển tiềm năng chung; hay nói cách khác hội tụ nhiều “1” để cùng kiến tạo điều gì đó “lớn hơn 2” – giống như một ban nhạc Jazz đầy sáng tạo và thăng hoa trong kiến trúc.
Trân trọng quá khứ
Dưới góc nhìn từ hiện tại về quá khứ để tìm về bản sắc, KTS Hưng Đào - Giám đốc Văn phòng kiến trúc AHL đã chia sẻ những về niềm trăn trở và cách thức gạn lọc những tinh hoa – trân trọng quá khứ nhằm tiếp biến và xây dựng các công trình hiện tại một cách hiệu quả. Anh Hưng Đào chia sẻ mỗi KTS có một ID riêng, một cá tính riêng. Thông qua nghiên cứu và thực hành kiến trúc, bản sắc Việt được bộc lộ và những tinh hoa trong văn hóa truyền thống được khơi mở trong không gian ở của người Việt, tạo ra những mã gen riêng biệt của kiến trúc Việt.
KTS Hưng Đào - Giám đốc Văn phòng kiến trúc AHL đã góp thêm một góc nhìn thú vị xoay quanh vấn đề ứng xử với di sản, cách bảo tồn, khai thác và tiếp biến các thành tố bản địa thông qua quá trình thực hành kiến trúc để qua đó làm rõ nét hơn bản sắc Việt trong những không gian nhà ở của người Việt.
Kết hợp giữa công nghệ hiện đại và bản sắc truyền thống
Với vai trò là một chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu nội thất, ông Nguyễn Minh Cương – Tổng giám đốc Công ty CPTĐ Gỗ Minh Long nhìn nhận “Vật liệu hiện đại trong kiến trúc bản địa”, đưa đến những kiến giải mới về tính bản địa trong vật liệu – sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và bản sắc truyền thống nhằm tạo nên những thiết kế bề mặt mang đặc trưng văn hóa bản địa và tạo sự gần gũi, thân thuộc đối với người tiêu dùng Việt. Với quan điểm về hiện đại hóa bản địa và di sản, ông Cương cho rằng đây là quá trình mà mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc cần chủ động tiếp biến và phát triển những giá trị truyền thống, tạo nên bản sắc riêng thay vì vay mượn, sao chép những giá trị từ bên ngoài mà không cân nhắc đến sự tương thích với môi trường xung quanh.
TGĐ Gỗ Minh Long đã đưa đến những kiến giải mới về tính bản địa trong vật liệu, thể hiện qua 05 khía cạnh chính bao gồm: cảm nhận tinh thần bản địa, thích ứng với môi trường tự nhiên, tiếp nối văn hóa – xã hội, phù hợp về kỹ thuật – công nghệ và tích hợp hài hòa trong dòng vận động không ngừng của thời đại.
Với đặc thù làm nghề nội thất, Minh Long quan niệm nội thất là làn da thứ ba. Đã làn da thứ ba có đầy đủ làn da thứ nhất về con người, trang sức. Nguyên vật liệu Minh Long làm ra đáp ứng với đặc thù khí hậu thời tiết ở Việt Nam. Minh Long quan niệm đó là văn hoá bản địa. Nếu không đáp ứng được nhu cầu về công năng sử dụng, thì không thể tồn tại trong thị trường vật liệu xây dựng. Đặc thù của ngành nội thất vẫn truyền tải cả phần ký ức trong mỗi người, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Chính nội thất của chủ nhân ngôi nhà đang sử dụng thể hiện gia phong của một gia đình. Thông qua nội thất của ngôi nhà, chúng ta “đọc vị được chủ nhân”. Chúng tôi ý thức, nghiên cứu và thiết kế nội thất chính là đáp ứng được văn hoá gia phong của chủ nhân sử dụng. Dưới góc nhìn của nhà thiết kế nội thất có cả dấu ấn của di sản văn hoá bản địa trong đó”, ông Cương chia sẻ.
Tại hội thảo, KTS Lê Thành Vinh – Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chia sẻ những góc nhìn liên quan đến tính bản địa trong một cộng đồng. Ở đó bao gồm tính vùng miền, tính cộng đồng và thế giới quan tạo dựng bởi những cá nhân sống trong cộng đồng đó. Cần hiểu biết ngọn nguồn những giá trị bản địa và kết hợp nhuần nhuyễn với những yếu tố công nghệ mới để quá trình bảo tồn và tiếp biến văn hóa – di sản được diễn ra một cách trọn vẹn. Bản địa và di sản không chỉ là những giá trị vật chất đơn thuần mà chúng ta đang cất giữ, bản địa trong đương đại là dòng chảy không ngừng nghỉ của sự tiếp biến, học hỏi và phát triển trong văn hóa – lối sống Việt.
Hội thảo “Hiện đại hóa bản địa và di sản” là hoạt động thứ 02 nằm trong chuỗi M series – chuỗi hoạt động của Gỗ Minh Long phối hợp cùng các Hội KTS, các CLB KTS trẻ và cộng đồng kiến trúc – nội thất nhằm cập nhật những thông tin chuyên ngành, xu hướng mới, những kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia uy tín; đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, hữu ích dành cho những người làm nghề, hướng đến mục tiêu lan tỏa giá trị, xây dựng cộng đồng chung vững mạnh và ủng hộ sự phát triển của ngành kiến trúc – nội thất.
Sau hội thảo “Hiện đại hóa bản địa và di sản”, Gỗ Minh Long sẽ tiếp tục phối hợp với các Hội KTS và những người làm chuyên môn để triển khai nhiều hoạt động khác trong chuỗi sự kiện M series, nhằm đóng góp thêm những góc nhìn đa chiều và tích cực hỗ trợ các KTS trên con đường làm nghề của mình./.