Đặt mục tiêu lãi gấp đôi
Năm 2024, GCFood đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 573 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 52 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt trên 30% trong vòng 5 năm tới. Kết thúc qúy đầu năm nay, dự kiến doanh thu 108 tỷ đồng, bằng cùng kỳ. Lợi nhuận tăng 30%, đạt trên 10 tỷ đồng.
Lý giải về mục tiêu lợi nhuận cao gấp đôi năm ngoái, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT, cho biết công ty đã đầu tư liên tục trong những năm vừa qua để có được nguồn nguyên liệu đủ lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất và giá thành nguyên liệu tốt hơn nên công ty mạnh dạn mục tiêu lãi gấp đôi trong năm 2024. Năm 2024, GCF sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng 2 nhà máy chính là nhà máy sản xuất nha đam CTCP Cánh Đồng Việt và CTCP Nước giải khát Sài Gòn Nhiệt đới - Saigon Tropical Drinks sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Theo Chủ tịch GCF, việc mở rộng giúp tăng công suất gấp đôi vào đầu năm 2025, dự kiến sản lượng sản xuất tăng tương ứng 150%, giúp tăng doanh thu. Đồng thời, GCF cũng ứng dụng công nghệ cao. GCF đã đầu tư thành công các hoạt động từ việc cấy mô cây nha đam trong phòng thí nghiệm đến việc đưa cây cấy mô ra và nhân giống. Dự kiến trong 2024-2025, GCF sẽ cung ứng hàng chục triệu cây nha đam cấy mô, giúp người nông dân trồng trọt hiệu quả hơn và giảm giá thành.
Với tình hình hiện nay, kinh tế thế giới sẽ vẫn còn khó khăn và thách thức. GCF đã theo dõi và tập trung đạt được kết quả. Thứ nhất, tập trung vào thị trường thế mạnh trong những năm qua là Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung vào khách hàng có nhu cầu xuyên suốt và cố định. Tính đến tháng 12/2023, GCF đã chốt hợp đồng 30% trong tổng doanh thu cho năm 2024.
Năm 2024, GCF tập trung vào thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ nha đam, thạch dừa, có dân số lớn và trẻ như Trung Quốc, Ấn Độ. Bên cạnh đó, tập trung thị trường cộng đồng sử dụng giấy chứng nhận đặc biệt như Hala, thị trường hồi giáo như Indonesia, Malaysia. Đồng thời, GCF cũng muốn đặt chiến lược lâu dài, nhưng tình hình hiện tại chỉ có thể tập trung trong ngắn hạn trước.
Việc áp dụng thành công về công nghệ cao vào ngành nha đam, sắp tới, GCF sẽ mở rộng công nghệ cao tương ứng với ngành thạch dừa. Nếu trong năm 2024, GCF có thể thâm nhập vào thị trường có sức tiêu dùng lớn, thì từ nay đến năm 2028 mở rộng vùng trồng nha đam lên 500ha thì vẫn đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Đáng chú ý, GCF dự kiến chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu và tiền mặt, tương đương hơn 42 tỷ đồng. Song song đó, GCF dự kiến phát hành tối đa 1,5 triệu cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10,000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm phát hành trong vòng 1 năm kể từ ngày phương án được phê duyệt.
Đối tượng phát hành là các lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt, người lao động có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Công ty. Toàn bộ cổ phiếu ESOP phát hành thêm sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Số vốn thu được tương đương 15 tỷ đồng sẽ được dùng phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty. Nếu hoàn tất cả 2 đợt phát hành trên, vốn điều lệ của GCF sẽ tăng từ gần 307 tỷ đồng lên gần 372 tỷ đồng.
Một vấn đề khác cũng được cổ đông GCF quan tâm đó là việc chuyển niêm yết sang sàn HOSE. Theo lãnh đạo GCF, năm 2023, GCF đã xin ĐHĐCĐ không thực hiện chuyển sàn, song do năm qua tình hình chưa thuận lợi, nếu chuyển sàn cũng không mang lại kết quả ngay lập tức. Theo quy định, sau 2 năm ở sàn UPCoM, có thể xin niêm yết lên HOSE.
Cân nhắc thời điểm chuyển sàn lên HOSE
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông đã thông qua phương án chuyển sàn lên HOSE nhưng đến nay công ty vẫn chưa hoàn tất. Theo chia sẻ của ông Thứ, quá trình phê duyệt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong năm vừa rồi diễn ra rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian và công ty theo đuổi việc này chưa có hiệu quả.
Mặt khác, GC Food bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ tháng 12/2022. Theo quy định của UBCKNN, sau thời gian giao dịch hai năm trên UPCoM, công ty đủ điều kiện để xin chuyển sàn sang HOSE. Vì vậy, ban điều hành cân nhắc chờ thêm một năm thay vì làm hồ sơ chuyển sàn mất khá nhiều thời gian trong năm 2023. Dự kiến đến đầu quý I/2025 sẽ đủ điều kiện để chuyển sàn.
Ngoài ra, theo kế hoạch sáp nhập ba sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCoM) trong năm 2026, nhiều công ty sẽ được xem xét chuyển sàn nếu đủ điều kiện nên ban điều hành cũng đang cân nhắc nộp hồ sơ chuyển sàn vào đầu năm 2025 hay chờ thêm đến năm 2026.
Trong cơ cấu cổ đông của GC Food hiện nay, tổ chức chiếm tỷ trọng trên 80%, chỉ có hơn 10% là cổ đông nhỏ và phần lớn là công nhân, viên của công ty. Do đó, ban điều hành cho rằng việc niêm yết ngay trên HOSE chưa mang lại giá trị cao cho cổ đông, trong khi công ty mất nhiều thời gian theo đuổi việc này.
“Nếu tình hình kinh tế cũng như thủ tục xét duyệt thuận lợi hơn, có nhiều doanh nghiệp cùng đồng hành lên sàn HOSE thì chúng tôi sẽ chuyển sàn vào quý I/2025”, Chủ tịch Nguyễn Văn Thứ thông tin đến cổ đông.
Cũng tại ĐHĐCĐ lần này, GCF đã trình thông qua việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT độc lập là ông Đinh Thế Hiển kể từ ngày 12/04/2024 và bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập thay thế cho nhiệm kỳ 2022-2026 là ông Thái Văn Chuyện./.