Dệt may kỳ vọng xuất khẩu 48 tỷ USD năm 2025 và giải pháp "giữ chân" người lao động

Năm 2025, dự báo xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt khoảng 48 tỷ USD. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, các doanh nghiệp đã nhanh chóng đi vào sản xuất kịp các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường lao động sẽ gặp một số biến động như lực lượng lao động có thể không quay lại làm việc do vậy các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều biện pháp để ổn định nguồn nhân lực.
det-may-xuat-khau-1-1739494272.jpg
Năm nay, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may tương đối dồi dào. Nhiều doanh nghiệp đang tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu quý 1/2025. (Ảnh minh họa)

Báo cáo về tình hình bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trước Tết Nguyên đán 2025 ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết.

Dự báo sau Tết, thị trường lao động sẽ gặp một số biến động như lực lượng lao động có thể không quay lại làm việc. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I/2025 tăng cao, nhất là ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy, ngành dệt may đang đón nhận tín hiệu tích cực tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... khi nhiều đơn vị đã có đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III.

Tuy vậy, doanh nghiệp dệt may đang đối diện khó khăn bởi thiếu hụt lao động sản xuất, thậm chí, nhiều đơn vị phải chật vật xoay xở tuyển dụng, bổ sung nhân lực nhằm duy trì hoạt động. Do vậy, doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp để “giữ chân” người lao động, bảo đảm hiệu quả, thúc đẩy sản xuất.

Từ nửa cuối năm 2024 đến nay, doanh nghiệp dệt may đón nhận tín hiệu tích cực khi các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh, thế nhưng, doanh nghiệp dệt may đang đối diện tình trạng biến động về lao động, nhất là những dự án tăng quy mô, mở rộng sản xuất.

Việc tuyển dụng lao động khó khăn ngay cả với công ty lớn, trả lương cao và phúc lợi xã hội tốt. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, trước bối cảnh khó khăn về nhân lực, tính bất ổn của thị trường, để giữ chân người lao động, đơn vị luôn xác định phải bảo đảm thu nhập ổn định cũng như tập trung đào tạo tay nghề nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động cùng các khoản phúc lợi xã hội khác.

“Ngành may nói chung, Tổng Công ty May 10 đang có vấn đề cạnh tranh lao động. Yếu tố thứ 2 là do cơ học, chuyển đổi giữa các vùng miền, giữa các ngành nghề sản xuất, giữa các doanh nghiệp... Vì vậy, cạnh tranh lao động cũng là vấn đề lớn của năm 2025. Tuy nhiên, May 10 là đơn vị truyền thống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và chính người lao động của mình... May 10 không chỉ tạo môi trường làm việc với thu nhập ổn định mà để cho người lao động yên tâm về mọi mặt”, ông Việt nói.

det-may-xuat-khau-3-1739494257.jpg
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. (Ảnh minh họa)

Tình trạng biến động lao động xảy ra tại các doanh nghiệp dệt may không phải chuyện hiếm, tuy nhiên, tỷ lệ lao động nghỉ việc đang có xu hướng ngày càng gia tăng và ở mức cao, nhiều đơn vị không đủ lao động để thúc đẩy sản xuất. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho rằng, vấn đề nổi bật hiện nay đó là các doanh nghiệp đang phải đối diện tình trạng thiếu lao động và sự cạnh tranh lao động gay gắt.

“Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động biến động cao. Giải pháp của tập đoàn là liên tục duy trì, thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng lao động với người lao động... Tập đoàn cải thiện môi trường làm việc, chăm lo tốt hơn đến chất lượng cuộc sống của người lao động, đặc biệt là câu chuyện bữa ăn người lao động hay văn hóa tinh thần cho người lao động. Các doanh nghiệp trong tập đoàn đang xây dựng hình ảnh nhà tuyển dụng chuyên nghiệp hơn”, ông Hiếu cho biết.

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2025, dự báo xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt khoảng 48 tỷ USD. Do vậy, doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp để “giữ chân” người lao động, bảo đảm hiệu quả, thúc đẩy sản xuất.

det-may-xuat-khau-2-1739494358.jpg
Thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy, ngành dệt may đang đón nhận tín hiệu tích cực tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... khi nhiều đơn vị đã có đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III. (Ảnh minh họa)

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, kim ngạch dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Đứng đầu thị trường xuất khẩu dệt may trong năm 2024 vẫn là Mỹ với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp sau đó là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường ASEAN.

Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP (các nước trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), các nước ASEAN… hàng dệt may Việt Nam cũng đã khai thác những thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Đại diện VITAS nhận định, trong ngắn hạn, từ nay đến hết quý II/2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Doanh nghiệp cũng đón nhận tín hiệu tăng trưởng khi các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh.

VITAS cũng dự báo trong năm 2025, ngành dệt may đặt kế hoạch xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025, VITAS đưa ra những cơ sở chính, bao gồm những cơ hội từ quá trình chuyển dịch đơn hàng vào Việt Nam trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu không tăng.

Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may của Chính phủ đặt ra với quyết tâm đưa Thương hiệu Dệt may Việt Nam ra thế giới, điều này đang là động lực lớn nhất thúc đẩy tầm nhìn của ngành dệt may năm 2025 - 2030 phát triển vượt bậc kể cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu./.

Bình Châu