Ngành Dệt may - Da giày cùng nỗi lo thiếu nguyên phụ liệu

Các doanh nghiệp ngành Dệt may - Da giày hiện đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu sản xuất vì nguồn cung lớn nhất là Trung Quốc đang thực hiện phong tỏa do chính sách "zero Covid".

Làn sóng tái bùng phát dịch ở Trung Quốc đang khiến nhiều ngành sản xuất của nước ta đứng trước nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu. Trước những lo ngại này, giới chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng để có chiến lược phù hợp.

Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp nguyên phụ liệu quan trọng cho một số ngành công nghiệp của Việt Nam, như điện tử, dệt may, da giày… Tuy nhiên, tắc nghẽn cảng biển thế giới cũng như dịch bệnh tại Trung Quốc khiến các ngành công nghiệp gặp khó do thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu.

Việc thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất do đường đi của hàng hóa từ Trung Quốc và các thị trường khác về Việt Nam bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Ảnh hưởng nghiêm trọng”, đó là nhấn mạnh của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), khi nói về tình trạng thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc. “Các đối tác phía Trung Quốc cho biết bên đó đang thiếu container rỗng để chuyển hàng về, cộng với nguồn cung khan hiếm do nhà máy tạm dừng hoạt động vì Covid-19. Không có nguyên phụ liệu để sản xuất nên tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp đang bị chậm lại”, bà Xuân giải thích.

thach-thuc-lon-voi-det-may-viet-nam-1651846336.jpg
Thách thức lớn với Dệt may Việt Nam là nguồn cung nguyên phụ liệu. Ảnh Petrotimes.

Còn bà Tôn Nữ Cát Ngọc, Giám đốc điều hành Công ty T.Y (TP.HCM), cho biết, hiện các doanh nghiệp may mặc đang có đơn hàng tăng do một số nhà mua hàng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, song không phải không có lo lắng. “Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn các loại nguyên phụ liệu phục vụ ngành hàng dệt may xuất khẩu. Họ ngưng sản xuất để chống Covid-19, đồng nghĩa với chuỗi cung ứng toàn cầu lại tiếp tục bị đứt gãy. Nếu tìm được nguồn hàng mua khác thì đơn giá đầu vào cũng cao hơn nhiều nên lợi thu về không bù với công sức bỏ ra”.

Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu. Đây là vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng tác động của việc Trung Quốc áp dụng biện pháp phong tỏa vì Covid-19. Đồng thời, trước chủ trương của Trung Quốc là "zero Covid", doanh nghiệp trong nước cần chủ động thích ứng, có chiến lược phù hợp để vừa cầm cự sản xuất, giữ khách hàng, vừa đảm bảo tiến độ giao hàng.

Việc thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất khiến tiến độ giao hàng của các doanh nghiệp đang bị chậm lại./.

Anh Vân (t/h)