Giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phấn đấu đạt tăng trưởng GDP bình quân cả nước khoảng 7%

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 16/6/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 81/2023/QH15 nhằm phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại.

Theo đó, phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch tổng thể Quốc gia đến năm 2030, trong đó, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%; khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%; khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%.

Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội, tập trung phát triển 2 vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và TP.HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.

Phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; phấn đấu từ 3 - 5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hoá; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông đường bộ Bắc - Nam (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường ven biển), các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, phấn đấu có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

de-viet-nam-tro-thanh-nuoc-phat-trien-thu-nhap-trung-binh-cao-0003-1687275580.jpg

Ảnh minh họa.

Về cơ chế, chính sách xây dựng, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quy hoạch.

Xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng, các công trình hạ tầng kết nối giữa các trung tâm phát triển của địa phương với hệ thống hạ tầng quốc gia.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên; cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo mô hình tiên tiến trên thế giới.

Xây dựng chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo các ngành ưu tiên gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, các ngành khoa học nền tảng cho phát triển khoa học, công nghệ; chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành ưu tiên và các địa phương trong các vùng động lực.

Hoàn thiện chính sách thu ngân sách nhà nước đối với đất đai, tài sản, tài nguyên; cơ chế khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy hoạch và tại các khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Ngoài nhiệm vụ trên, Chính phủ lưu ý, để thu hút đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

Chính phủ cũng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực... để tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài phục vụ cho các mục tiêu phát triển.

Huy động vốn vay nước ngoài với điều kiện, lãi suất ưu đãi, phù hợp, hiệu quả, tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt; ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch.

Thi Nguyên (t/h)