Đề xuất dùng chỉ số cơ giới hóa đánh giá giảm phát thải trong sản xuất lương thực

PGS. TS Kha Chấn Tuyền, Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng, việc áp dụng cơ giới hóa là một trong những giải pháp để giảm hiệu quả phát thải. Mặc dù mỗi lĩnh vực sản xuất việc ứng dụng cơ giới hóa khác nhau. Tuy nhiên đây là một trong những tiêu chí dễ định lượng có thể mang tính đại diện.

Chiều 23/8, tại TP.HCM diễn ra tọa đàm “thực trạng và chiến lược phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu”. Tọa đàm do trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tổ chức.

hoi-thao-giam-phat-thai-1-1724460296.jpg
Các chuyên gia tại buổi Hội thảo.

Theo đánh giá của các đại biểu dự tọa đàm, hệ thống lương thực thực phẩm trên toàn thế giới chiếm khoảng 31% phát thải toàn cầu, trong đó Việt Nam chiếm 1%. Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề an ninh lương thực. Tuy nhiên, khi đưa ra nhu cầu giảm phát thải thì vấn đề đặt ra là mô hình nào phù hợp để ứng dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa...

Tại hội thảo, PGS.TS Phan Tại Huân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, việc cung cấp lương thực thực phẩm từ khu vực này rất quan trọng, được ví là "vựa lúa" của cả nước.

Do đó, việc tìm hiểu chiến lược phát triển hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL để hướng tới mục tiêu zero carbon vào năm 2050 của Chính phủ là cực kỳ cấp thiết.

hoi-thao-giam-phat-thai-3-1724460283.jpg
Việc áp dụng cơ giới hóa là một trong những giải pháp để giảm hiệu quả phát thải. Mặc dù mỗi lĩnh vực sản xuất việc ứng dụng cơ giới hóa khác nhau. (Ảnh minh họa)

Theo ông Huân, nói đến hệ thống thực phẩm, phải nói tới cả một chuỗi, nghĩa là phải đi từ sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, tồn trữ trung gian, vận chuyển về nơi chế biến, phát sinh phụ phẩm, phế phẩm... rồi mang thực phẩm đến bàn ăn cho người tiêu dùng. Trong quá trình người tiêu dùng sử dụng cũng phát sinh ra các sản phẩm dư thừa…

“Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm ‘từ trang trại đến bàn ăn là rất quan trọng’, đòi hỏi chúng ta có cách tiếp cận, tìm hiểu, thảo luận để có nhận thức trên toàn chuỗi thực phẩm, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu”, ông Huân nói.

Cũng theo ông Huân, các nước trên thế giới đang rất quan tâm đến các loại thực phẩm phát thải thấp. Do đó, xu thế sắp tới sẽ là các sản phẩm muốn xuất khẩu, giao thương thì phải gắn liền với yếu tố trung hòa carbon, giảm carbon thì giá trị sẽ tăng.

PGS. TS Kha Chấn Tuyền, Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng, việc áp dụng cơ giới hóa là một trong những giải pháp để giảm hiệu quả phát thải. Mặc dù mỗi lĩnh vực sản xuất việc ứng dụng cơ giới hóa khác nhau. Tuy nhiên đây là một trong những tiêu chí dễ định lượng có thể mang tính đại diện.

hoi-thao-giam-phat-thai-2-1724460380.jpg
PGS. TS Kha Chấn Tuyền, Đại học Nông Lâm TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.

Theo PGS.TS Kha Chấn Tuyền, phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp có thể giảm đáng kể thông qua việc giảm cường độ phát thải trong quá trình sản xuất: "Nên có những chính sách để làm tốt hơn, chặt chẽ hơn. Cũng như những cơ chế xây dựng những dịch vụ cho thuê máy móc thiết bị. Thay vì mỗi một nông hộ họ phải đầu tư thì có thể sẽ không hiệu quả nhưng mà dịch vụ cho thuê máy móc, tư vấn kỹ thuật cao là những giải pháp đang cần rất khuyến khích..."

Từ thực tế, chuyên gia này đề nghị cần nhanh chóng nghiên cứu và định hướng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho từng địa phương ở ĐBSCL. “Đặc biệt, cần phân tích và thử nghiệm ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu có chỉ số MI thấp trong các hoạt động sản xuất lúa, cây có múi, lợn, vịt, tôm và cá; sớm quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung để tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn cho sản xuất có giá trị gia tăng cao…”, ông Tuyền nói./.

Bình Nguyên