Đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Ninh sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản, nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực.
che-bien-nong-nghiep-rpgy-1637068296.jpg
Chế biến nông sản trở thành lợi thế cạnh tranh (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh sẽ thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo nhóm sản phẩm, theo lĩnh vực, theo vùng sản xuất, chú trọng xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững.

Đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Tỉnh tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm theo hướng có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và tiến tới thị trường xuất khẩu.

Các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh có tiềm năng phát triển quy mô lớn, tỉnh sẽ tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản; có chính sách, giải pháp và nguồn lực để mở rộng quy mô, chất lượng và thương hiệu sản phẩm để bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia khi đủ điều kiện.

Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, trải nghiệm….

Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh cũng thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực. Trong trồng trọt, tỉnh chú trọng sử dụng đất canh tác linh hoạt, ổn định diện tích trồng lúa và mở rộng tối đa diện tích rau an toàn; tăng bền vững diện tích cây ăn quả và cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tăng số lượng đầu con hợp lý gắn với nhu cầu thị trường; ưu tiên phát triển những vật nuôi có tiềm năng tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn. Với nuôi trồng thủy sản, tỉnh thực hiện khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước hiện có theo hướng thâm canh, tăng vụ. Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi, khuyến khích nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh bảo vệ ổn định diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản bền vững giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của vùng và từng địa phương trong tỉnh. Đồng thời, quy hoạch, bố trí sử dụng đất nông nghiệp gồm các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở khu vực Nam sông Đuống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đối với khu vực được quy hoạch đô thị trung tâm của tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai kế hoạch đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ động tham mưu, triển khai các giải pháp về quy hoạch, đất đai; cơ chế chính sách, huy động nguồn lực; tổ chức sản xuất, kinh doanh, áp dụng khoa học, công nghệ; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp./.