Dante với sức mạnh tình yêu trong sáng tạo

Khi còn là một học sinh trung học cơ sở, có niềm yêu thích văn chương, tôi đã loáng thoáng nghe bố tôi và một số người lớn khác nhắc tới một nhân vật tên Dante. Lúc ấy, tôi cứ tưởng rằng ông là một nhà hiền triết phương Tây nổi tiếng, nên những câu trích dẫn Dante thường được người Việt Nam ưa thích sử dụng hàng ngày. Đây đó trên báo chí cũng có nhắc tới Dante cùng với những danh nhân thế giới khác.

Sau này, khi quan tâm tới văn học thế giới nhiều hơn, thì tôi được biết Dante Alighieri là một nhà thơ lỗi lạc người Ý, sinh ra thế kỷ 13. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, nhưng thơ ông vẫn được người Ý đọc và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Người ta nghiên cứu về thơ Dante mỗi khi cần học hay nghiên cứu về ngôn ngữ Ý, nước Ý. Chứng tỏ Dante có vai trò vô cùng quan trọng trong thơ ca, ngôn ngữ, và tinh thần người Ý.

Ở Việt Nam, người đọc biết nhiều nhất tới tác phẩm Thần khúc (Divine Comedy) của Dante. Có một trung tâm văn hóa mang tên Dante tại Hà Nội. Nơi đây, những cuộc trò chuyện, hội thảo về Dante, về văn hóa Ý, văn học Ý diễn ra hàng tháng. Bạn đọc yêu thích thơ Dante cũng có thể tìm thấy sách thơ của ông ở đây, qua bản dịch của các dịch giả Nguyễn Văn Hoàn, Hoàng Nguyên Chương, Khương Hữu Dụng, Lê Trí Viễn, Hồ Thượng Tuy,…

du-an-doc-tho-dante-tren-toan-the-gioi4567-1634909114.jpg
 

Trước đây, tôi từng đọc đôi câu, hoặc một khúc thơ Dante trong nhưng bài trích dẫn, chứ chưa từng đọc trọn vẹn tác phẩm của Dante. Chỉ cho đến tháng 3/2021 khi tôi được nhà thơ người Ý - chị Laura Garavaglia - chủ tịch ngôi nhà thơ Como (Ý) mời tham gia Dự án “Đọc và tìm hiểu thơ Dante trên toàn cầu”, lúc nhận lời, tôi mới chính thức tìm hiểu và đọc, nghiên cứu thơ Dante. “Thần khúc” đã thực sự khiến tôi choáng ngợp. Khi đắm mình trong tác phẩm vĩ đại này của Dante, tôi có được sự đồng cảm sâu sắc với tâm hồn của một tác giả sống cách nay 700 năm. Dường như trong những ngày đó, Dante luôn bên tôi tại Hà Nội. Tôi đã chọn vị trí trước cửa Đền Ngọc Sơn để ghi hình video đọc thơ Dante bằng tiếng Việt. Tôi cho rằng vị trí này là một điểm tượng trưng của Hà Nội, khi ghi hình, mọi người trên cả thế giới chỉ cần nhìn qua là thấy rõ biểu tượng Hà Nội thân thương của người Việt Nam. Ngày ghi hình, tôi vô tình chọn mặc chiếc áo dài màu đỏ cam. Khi ghi hình xong, tôi chia sẻ video đọc thơ với một đồng nghiệp – nhà thơ Hungary Sandor Halmosi - người cùng tham gia Dự án “Đọc và tìm hiểu thơ Dante trên toàn cầu” thì anh phát hiện ra màu áo dài tôi mặc trùng với màu áo tiêu biểu mà chính Dante hay mặc. Phát hiện ấy một lần nữa khiến tôi xúc động, dường như Dante đang nhập vào hồn tôi, nên khi đọc thơ ông, phải chăng ông đã ngầm chỉ dẫn để tôi chọn đúng màu áo ông thích. Và trong ngày tôi được Đại sứ quán Ý mời tới dự một buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Dante, tôi đã dừng lại trước tấm pano chương trình lễ kỷ niệm màu đỏ cam, màu của Dante, và chụp lại một tấm hình của mình ở đó, gửi cho nhà thơ Laura Garavaglia ở Ý. Chị ấy đã rất vui mừng, và đăng bức hình cùng tin tức về lễ kỷ niệm Dante ở Việt Nam lên trang web của Dự án. Sự đồng cảm ấy, chỉ có thể dùng từ “Thiêng liêng”.

Đoạn thơ 3 câu mà tôi chọn đọc trong “Thần khúc” là:

Như đôi chim câu theo tiếng gọi của đam mê,
Sải thẳng cánh hướng về tổ ấm,
Vượt không khí theo niềm hi vọng!

Chỉ ba dòng thơ gói gọn này, mà thể hiện được sức mạnh của gắn kết, mối tình cảm rực rỡ, niềm say mê và mật ngọt hy vọng của tình yêu, sức sáng tạo, đôi cánh bay mạnh mẽ và quyết liệt của thi hứng, dẫn dắt đôi tâm hồn đến với thế giới thánh khiết bao la. Tình yêu đẹp đẽ ấy lay chuyển cả trời đất, khiến vũ trụ sắp xếp lại, khiến không khí trở nên trong veo, gió vờn mềm lá và mặt nước hồ lấp lánh…
 

nang-tho-cua-dante4566-1634909181.jpg
Nàng thơ của Dante

Riêng tôi, khi đọc Dante, cảm nhận rõ rệt một tình yêu vĩ đại ông dành cho một người con gái. Tình yêu ấy kỳ lạ tới nỗi, ông không dám tiếp cận với nàng, thậm chí còn chạy trốn nàng. Nhưng ông đã dùng năng lượng vô biên sản sinh từ tình yêu thầm lặng ấy để chuyển hóa thành tác phẩm thơ. Tình yêu ấy là bất diệt, và thơ ông cũng bất diệt. Qua mối tình của ông kết tinh trong thơ, tôi nhận ra rằng, một tình yêu không dẫn tới sự kết đôi, chỉ thông qua sức tưởng tượng, khả năng phóng chiếu của một tâm hồn giàu có, sẽ chính là một tình yêu mãnh liệt nhất, và vĩnh cửu trong thế giới luôn đổi thay và phù du này.

Tình yêu ấy tạo cho Dante sức mạnh không ai địch nổi. Sức mạnh ấy sáng tạo nên thơ. Thơ của ông là cuộc du hành phi tưởng qua không gian và thời gian, để khám phá tận cùng vũ trụ, để đưa con người vào những tầng sống chưa từng ai biết, giúp con người vượt qua nỗi sợ hãi cái chết, bằng một năng lực có sẵn trong con người, đó là tình yêu. Tình yêu của Dante đã vượt qua những giới hạn, khuôn khổ thông thường của đời sống, vượt qua không gian, thời gian, vượt qua cả cái chết. Một thế giới tinh thần phong phú, sự sáng tạo không giới hạn được Dante gói lại trong ngôn ngữ thơ bạo liệt nhất, ngôn ngữ không biết đến nỗi sợ.

Tình yêu dẫn Dante tới một cuộc du hành vĩ đại của tâm tưởng

Dante thực may mắn khi tìm ra nàng thơ của mình khi ông mới lên 9 tuổi. Nàng thơ Beatrice đã đánh thức tình yêu từ rất sớm trong Dante, và khơi nguồn cảm hứng bất tận để Dante dấn thân vào một hành trình thơ kỳ thú, lạ lùng suốt cuộc đời mình. Dante mê đắm nàng thơ Beatrice. Nhưng ông cũng thực tỉnh táo khi chỉ một mực yêu nàng, mà từ chối tiếp cận nàng thực sự trong đời sống. Tình yêu cũng như mọi sự vật hiện tượng khác, không thể thoát khỏi luật đối tính, tính sóng đôi, hay còn gọi là vòng xoáy của tính hai mặt. Vì thế ông cứ để nàng thơ đi lấy chồng, trong khi ông vẫn từ xa ngưỡng vọng, yêu nàng thiết tha. Và ông sử dụng niềm thương nỗi nhớ dày lên mỗi ngày ấy chuyển hóa thành dòng năng lượng mãnh liệt, chảy thành những dòng thơ bất tử, mang lại nguồn sống cho tâm hồn của biết bao người yêu thơ trên khắp thế gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Giả dụ Dante cứ theo thói thường mà tấn công quyết liệt Beatrice, chiếm đoạt nàng thơ bằng được, biến nàng thành vợ của ông, sống trong khuôn khổ vợ chồng muôn thuở, thì tôi tin rằng, chẳng mấy chốc hôn nhân nhàm chán sẽ trở thành ngục tù cho tâm hồn ông, giết chết chính nàng thơ của ông, và chúng ta không thể có được những tuyệt phẩm như “Cuộc đời mới”, hay “Thần khúc” để mà thưởng thức. May mắn làm sao Dante đã không để cho cái bản năng mưu cầu hạnh phúc lứa đôi, tham vọng sở hữu nàng thơ hoàn toàn điều khiển tâm trí mình, chỉ huy hành động của mình. Cái bản năng ấy càng gào thét, càng khát khao, và càng không được thỏa mãn, thì nó càng sinh ra năng lượng trong ông, như một dòng nham thạch, và biến hóa thành dòng thơ tuôn trào.

Tôi từng biết trong đời thực, có những nhà thơ đã không chiến thắng được bản năng ấy, đã tìm mọi cách biến nàng thơ thành người vợ, suốt ngày quẩn quanh bên mình. Và rồi nhanh chóng hình bóng người vợ lấn át khiến hình bóng nàng thơ mờ dần, mờ dần và biến mất. Lẽ tất yếu nhà thơ ấy lại quay lưng với người vợ, bắt đầu hành trình đi tìm nàng thơ mới, trong vô vọng, trong đau khổ gây ra cho chính mình và người vợ của mình. Dante sáng suốt và Dante dùng tâm trí nuôi dưỡng nàng thơ thành bất tử. Sau cái chết trẻ của Beatrice, Dante đã biến nỗi đau, niềm nhớ tiếc thẳm sâu ấy thành cảm hứng để ông viết mãi mãi. Nàng thơ ấy chỉ có một, hoàn hảo, bất tử, và Dante cũng bất tử cùng dòng suốt thơ ông sáng tạo ra.

kbh1-1634912207.JPG

Nhà văn Kiều Bích Hậu tại Rô Ma - Italya

Tác giả bài nghiên cứu

Thực ra, nàng thơ Beatrice chỉ là bóng hình mà Dante phóng chiếu trong tâm tưởng mình. Ông để cho nàng trở thành một động lực từ xa vẫy gọi ông lên đường, dấn thân vào một cuộc du hành vĩ đại của tâm tưởng, để đạt được mục đích cao cả, một sứ mệnh cuộc đời nhà thơ, nhà triết học, nhà tiên tri, tìm ra phương cách giúp loài người thoát khỏi nỗi sợ cái chết. Nàng là người dẫn đường cho ông trong cuộc du hành kỳ vĩ ấy. Nàng hóa thân thành người đồng hành, người chỉ dẫn, người tạo cảm hứng cho ông, cùng ông khám phá chân lý. Nàng cũng có thể là dấu hiệu ở mỗi chặng đường mà Dante phải nhận ra. Những thông điệp được nàng mã hóa, những hình ảnh, sự việc ẩn dụ đã kích thích trí tưởng tượng phi thường của Dante, khiến ông viết ra những điều mà con người bình thường không thể nào tưởng tượng nổi, không ngôn ngữ đời thường nào diễn đạt nổi.

Beatrice – nàng thơ diệu kỳ đã mở mắt thần cho Dante, khiến ông tự chuyển biến thành người hùng trong cuộc du hành của chính mình, qua các tầng thức tồn tại, qua các chiều không gian. Qua mỗi một đoạn của cuộc du hành, từ Địa ngục, tới Tĩnh ngục, tới Thiên đường, Dante chỉ ra cho chúng ta thấy muôn mặt đời người, từ những kẻ tội lỗi, giấu diếm bộ mặt ác quỷ sau những cái vỏ danh giá, hay mặt nạ người, hoặc những kẻ tham vọng làm thánh nhân, tham thực hành thiện để mưu cầu danh vọng, hoặc những kẻ si mê đốt cháy chính mình vì tình yêu, những kẻ ham dục vọng,… tất cả đều bị vòng xoáy của tính đối ngẫu hành hạ ngày một tàn tệ hơn. Nếu không thức tỉnh, con người sẽ không bao giờ thoát ra khỏi địa ngục không đáy của ham muốn, mưu cầu đời thường. Không thể thoát, bởi con người chính là địa ngục của mình. Cho dù có lên tới cái nơi được gọi là Thiên đàng kia, thì chính họ đã mang theo địa ngục do mình tạo ra từ chính những mưu cầu. Càng đọc thơ Dante, chúng ta càng thấy rằng, mỗi con người, với việc ta làm gì thật ý nghĩa cho cuộc đời của  mình, chính là một người hùng tham gia vào cuộc du hành tìm chân lý và tự do. Và thật may mắn nếu ta có đủ tinh anh và thấu suốt mà nhìn ra nàng thơ của mình và để nàng thơ dẫn dắt, có thể thấy được các dấu hiệu chỉ đường mà đi được tới đích.

Dante không đi theo lối đi chung thường tình đã được vạch kẻ an toàn của thời đại, cho tất cả mọi người, mà ông lắng nghe tiếng gọi đặc biệt, tiếng gọi mơ hồ mà chỉ có những ai để ngỏ đôi tai bên trong cũng như bên ngoài của mình có thể nghe thấy được, để dấn bước vào chuyến phiêu lưu, một mình đi “những chặng đường gian truân khổ ải mà bình thường khó xảy ra, để biết được đêm đen của tâm hồn người, để qua cả khu “rừng tối, giữa hành trình cuộc sống” và những khổ đau dưới địa ngục. Ông tận mắt thấy “Một con suối nhỏ có màu đỏ nay còn khiến tôi rùng mình… đám đàn bà tội lỗi xuống ngâm chung” (Thần khúc - phần Địa ngục). Như vậy đó, với những ai dám nghe và đi theo tiếng gọi bí mật thì đều sẽ được nếm trải những hiểm họa của chuyến đi qua đơn độc, trắc trở. Nhưng rồi Dante sẽ được Beatrice dẫn dắt, qua những cửa ải kinh khủng nhất, như được trợ giúp bởi phép lạ, và ông có thể mang cái sứ mệnh khó khăn, nguy hiểm của mình tới tận đích đến của tâm hồn. Tác phẩm của Dante, chuyến du hành của Dante chính là một biểu tượng, khuyến khích mỗi người chúng ta, dù ở bất kỳ thời đại nào, trong hoàn cảnh nào, từng nghe thấy tiếng gọi bên trong thì sẽ dũng cảm bắt đầu chuyến du hành của mình, chuyến phiêu lưu cao cả của linh hồn với niềm tin rằng ở đâu đó trên đường đi, ta sẽ gặp được người dẫn đường, như Dante mãi mãi có được nàng Beatrice xiết bao xinh đẹp và quyến rũ, người nâng mỗi bước chân Dante và khiến ông vượt qua mọi khổ ải bằng khúc ca diệu kỳ của tình yêu.

Trong chuyến du hành, Dante phải biết địa ngục, thì mới thấu thiên đường. Cũng như chúng ta phải học từ bóng tối thì mới có thể sống và phát triển trong ánh sáng vậy. Ai trong chúng ta cũng sống và nỗ lực thật nhiều trong ngày hôm nay, nỗ lực tới mức tham lam và quên mất cả tâm hồn mình, chỉ vì kỳ vọng vào một ngày mai tốt hơn, đầy đủ hơn, giàu có hơn, dễ chịu hơn ngày hôm nay. Nhưng một khi ngày mai đến, thì nó lại trở thành hôm nay, và ta lại tiếp tục nỗ lực đến tàn hơi, giống như một kẻ cố gắng lăn một quả bóng lên đỉnh dốc, để rồi khi buông tay thì quả bóng lại lăn tòm xuống vực. Chúng ta dường như không hề cảm nhận thấy sự vô nghĩa này, cho tới ngày nhắm mắt tàn hơi, đối diện với cái chết và mọi kỳ vọng, hy vọng tắt ngấm. Như mọi kẻ khi đứng trước cánh cửa địa ngục, buộc phải bỏ lại tất cả hy vọng. Hy vọng tắt ngấm khi chúng ta đem cái tạm thời đối diện với cái vĩnh cửu. Hay nói cách khác, hy vọng mất đi ở đoạn giữa thời gian và vĩnh cửu. Dante đã đi xuyên qua thời gian và phi thời gian, để phát hiện ra đặc tính tạm thời của cuộc sống loài người, để khám phá ra thời của chính mình, để được tự do.

Tại sao tác phẩm của Dante trường tồn?

Dante đã đi qua chúng ta 700 năm, nhưng những tác phẩm của ông, nhất là “Thần khúc” thì giá trị tinh thần vẫn đang bao trùm tới cả ngày nay và mai sau. Thế giới nay đã đạt được nhiều tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện sống của chúng ta cũng đã được nâng lên ở tầm cao hơn xưa rất nhiều. Nhưng đó chỉ là cái vỏ vật chất của sự vật, hiện tượng. Còn tinh thần, cái cốt lõi nội tại của con người thì vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Những niềm vui, nỗi khổ của con người vẫn chỉ xuất phát từ cùng một nguyên nhân như cũ, mà Dante đã chỉ ra trong tác phẩm của ông. Trạng thái tâm linh của thế giới và những tổn thương tâm hồn người thì vẫn như cũ. Thói đạo đức giả, tham quyền lực, háo danh vọng, vơ vét của cải vô độ, những dục vọng sôi sục vô phương cứu chữa. Tham vọng và sự dối trá càng ngày càng đẩy con người vào hố sâu tự hủy. Địa ngục mà Dante mô tả không còn nằm ở một chiều không gian khác, nó đã hiển hiện ngay trong đời sống của con người ngày nay. Những mưu cầu bị đẩy đến quá độ khiến ngôi nhà chung của thế giới bị hủy hoại ngày một nặng nề và sự thảm sát không chỉ đến từ tự nhiên, mà đến từ chính tâm trí hỗn loạn của mỗi người. Khi kẻ địch đã ở trong tim của mỗi con người thì không cách gì loại bỏ.

Sự khác biệt giữa thời của Dante (thế kỷ 14) và thời chúng ta đang sống (thế kỷ 21) có lẽ ở việc: Dante phải nhờ sự chỉ dẫn của Beatrice để tham gia vào cuộc du hành xuyên thời không, mà tận mắt chứng kiến địa ngục, thiên đường; còn chúng ta hiện nay, thì đang sống trong chính địa ngục mà chẳng cần đi đến cái chết ở một thời điểm nhất định nào đó. Địa ngục chính là cơ nghiệp của ta hiện nay, ở đây. Hiệu ứng nhà kính, băng tan, trái đất nóng lên, đại dịch, chiến tranh, bạo lực, khủng bố gia tăng ở mọi ngõ ngách, trong cả chiếc giường của chúng ta ngủ mỗi đêm. Chúng ta cứ ra rả rêu rao rằng ta chống chiến tranh, bài trừ khủng bố, chống ô nhiễm môi trường,… nhưng chính ta đã bỏ phiếu bầu cho những kẻ tạo ra chiến tranh, ta hàng ngày khủng bố lẫn nhau bằng những lời lẽ thù địch, ác ý, chúng ta vẫn tiêu dùng những sản phẩm mà quá trình sản xuất ra nó gây ô nhiễm môi trường,… Dường như chúng ta đã tiếp cận mọi vấn đề của cuộc sống một cách sai trái nên đã làm cho chúng ngày một thêm căng thẳng và dẫn tới bùng nổ. Chúng ta đang làm tất cả để có cho nhiều hơn: nhiều tiền hơn, nhiều danh vọng hơn, hiểu biết hơn, được vì nể nhiều hơn, được yêu nhiều hơn,… và để mình bị cuốn vào vòng xoáy hủy diệt của địa ngục trần gian, khi linh hồn ngày một bóp nghẹt, teo tóp, hành hạ, đau đớn khôn cùng. Một cách hình ảnh hơn, đó là chúng ta đang mải mê nạp vào tài khoản ngân hàng của mình ngày một nhiều hơn, nhưng tài khoản tinh thần thì trống rỗng.

Vậy thì điều gì còn có chút khả năng cứu rỗi chúng ta? Như Dante đã chỉ ra, chỉ có tình yêu thánh khiết như tình yêu mà ông dành cho nàng Beatrice, mới có thể truyền năng lượng đủ để linh hồn Dante vượt qua mọi cửa ải địa ngục và tới được thiên đường. Cần có một nàng thơ dẫn dắt, một nàng thơ đẹp đẽ, thanh cao, tuyệt mỹ, truyền cảm hứng để giải thoát ta khỏi ngục tù của mọi mưu cầu tầm thường, cho ta đủ sức mạnh giúp ta dấn thân đi tìm chân lý cho loài người. Nhưng tình yêu như thế, trong thế giới này còn được bao nhiêu? Chúng ta hãy tự hỏi chính mình, ta đã bao giờ yêu thực sự? Tình yêu cao cả, tình yêu thánh thiện, cảm giác yêu thiêng liêng tinh khiết vời vợi đó đã bao giờ hạ cố chạm đến ta? Và liệu khi tình yêu tối thượng đó chạm đến ta, ta có để thói tham thường tình hạ đẳng khiến nó bị vấy bẩn, và lập tức tan biến vào thinh không? Chỉ có tình yêu như thế mới bảo toàn được linh hồn, mới thanh lọc được thế giới và giải phóng được con người khỏi địa ngục trần gian.

Chính Dante đã chỉ ra rằng, khi tình yêu quá lớn, thì ông chính là người đó, là Beatrice. Linh hồn ông và Beatrice hòa nhập làm một. Khi được tình yêu truyền cảm hứng, Dante cầm bút và viết ra ào ạt, những gì mà Beatrice “khắc ghi” trong trái tim ông. Thơ ông sẽ tiếp tục còn tồn tại khi nào còn nhân loại trên trái đất này. Từ tình yêu cuồng nhiệt nhưng trong sạch bậc nhất, Dante đã sáng tạo nên tác phẩm vĩ đại, và sáng tạo nên cả ngôn ngữ Ý. Không chỉ cải cách ngôn ngữ, thơ ca, nghệ thuật, Dante cải cách cả đời sống xã hội thông qua hành trình thay đổi, nuôi dưỡng tâm hồn. Dường như những cảnh báo của Dante về hậu quả của bạo lực, tội ác gây nên từ lối sống con người, suốt 700 năm qua vẫn nguyên giá trị.

Dante với tác phẩm của mình, cho chúng ta một niềm tin rằng, hơn tất cả mọi điều, nhà thơ và thơ ca sẽ giúp chúng ta mở ra một cánh cửa, vào lúc thế giới hỗn loạn vì chiến tranh, tội ác, hay đại dịch, để tìm ra một lối thoát, không phải là cố gắng bất khả thay đổi thế giới, mà thay đổi chính mình, chiến thắng sự đen tối bên trong, trục xuất mê tín và tội ác khỏi trái tim con người.

Và tôi luôn cảm ơn Dante – nhà thơ – nhà tiên tri đã đi qua địa ngục và tới thiên đường -  bởi ông khiến tôi biết tự đặt câu hỏi “Nếu bỏ lại tất cả hy vọng, thì tôi còn lại gì?” Câu hỏi ấy khiến tôi thức tỉnh, và luôn tỉnh táo với chính mình trước mọi hạnh phúc hay khổ đau diễn ra hàng ngày. Dante chính là sự tượng trưng cho nhắc nhở thường xuyên loài người về tầm quan trọng của thơ, về cách mà tâm hồn nhạy cảm, thậm chí mong manh của nhà thơ, lại có thể mạnh mẽ đến nhường nào trong việc dẫn dắt loài người vượt qua đau khổ. Nhờ đôi cánh thơ ca, mà tâm hồn người có thể đi tới tận sâu những nơi không gì có thể, bay cao tới tận nơi không gì có thể.

Và vì thế, đến bây giờ, chúng ta biết Dante đã có được một cuộc sống vĩnh cửu.

Kiều Bích Hâu