Đảm bảo nguồn cung, không khan hàng sốt giá dịp Tết Nhâm Dần

Mặc dù dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, các hoạt động kinh tế cũng đang dần hồi phục nên việc chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai tích cực.

Cùng với đó, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp độ diễn biến của dịch COVID-19 tại các địa phương nên hàng hóa phục vụ Tết được cung ứng cho thị trường khá dồi dào, đa dạng.

Theo Bộ Công Thương, hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, giá không có biến động lớn.

Thống kê cho thất, từ ngày 20 Tết tức ngày 22/1/2022, sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng lên phục vụ lễ ông Công, ông Táo.

Nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh COVID-19 nên hầu hết các chương trình hội chợ Xuân, chợ hoa không được tổ chức tập trung. Các điểm bán hàng Tết chủ yếu do các thương nhân tự thực hiện phân tán ở nhiều nơi. Tuy nhiên, đến tuần cận Tết, lượng khách hàng mua sắm nhiều hơn, thị trường tương đối sôi động.

Cũng theo Bộ Công Thương, việc chuẩn bị Tết đã được các địa phương triển khai sớm cùng với việc dự trữ hàng hóa theo Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương lớn đã giúp nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu Tết luôn được bảo đảm, giá hàng hóa không có biến động bất thường.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động xã hội như tặng quà các đối tượng chính sách, hỗ trợ người dân bị mắc bệnh COVID-19, đưa hàng hóa phục vụ bà con mua sắm Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền để bảo đảm nguồn hàng cho người dân ở mọi miền tổ quốc được đón Tết đầy đủ.

Sau thời gian dài áp dụng các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, việc mua bán trực tuyến đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý... nên doanh số bán hàng qua kênh này tăng khá cao.

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công Thương) để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa giữ ổn định.

dam-bao-nguon-cung-hang-hoa-dip-cuoi-nam-va-tet-nguyen-dan-nham-dan-064545-1644033905.jpeg
Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên cũng vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm.

Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều.

Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2021.

Bộ Công Thương cho biết: Ngày mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa, mặc dù chưa đông như những năm thông thường nhưng người dân cũng dần chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng.

Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm.

Để chủ động nguồn cung mặt hàng lương thực phục vụ thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có phương án nhập hàng từ sớm. Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm nay, nhu cầu gạo vẫn tập trung chủ yếu đối với các loại gạo tẻ chất lượng cao như ST 24, ST 25, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công... và nếp.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm và thương hiệu gạo cũng được người dân quan tâm nên doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị nguồn hàng có xuất xứ rõ ràng. Nhìn chung, giá các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm trước.

Năm nay, nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán được bảo đảm, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý. Đối với mặt hàng thịt lợn, sau khi có xu hướng giảm liên tiếp trong năm 2021 do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng giảm đã tục có xu hướng tăng trở lại trong tháng 1 năm 2022, đặc biệt trong những ngày cận Tết nhưng mức tăng khoảng 15-25% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, giá các sản phẩm thịt bò ổn định trong suốt cả năm 2021 và bắt đầu tăng nhẹ vào cuối tháng 1 năm 2022 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng. Tương tự, giá các sản phẩm gia cầm cũng ở mức thấp trong suốt năm 2021, có thời điểm giá thịt gà lông trắng chỉ còn 7.000-9.000 đồng/kg, bắt đầu tăng trở lại vào tháng 12/2021 và tiếp tục tăng nhẹ vào ngày sát Tết do nhu cầu tăng.

Trong những ngày gần Tết (từ ngày 23 tháng Chạp) do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, thịt lợn đông lạnh vào những ngày gần Tết nên giá thịt gà, thịt bò chỉ tăng vào những ngày sát Tết tại các chợ truyền thống do sức mua tăng.

Các mặt hàng nông sản thực phẩm khô ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ vào khoảng 3 tuần trước Tết sau đó ổn định đến Tết. Giá các loại rau củ quả có xu hướng tương đương so với năm trước, riêng giá các loại rau củ tăng nhẹ so với năm trước do nguồn cung giảm, tuy nhiên vẫn bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5-10% như bưởi da xanh, bưởi diễn...

Đặc biệt, năm nay nhiều sản phẩm bánh mứt kẹo trong nước cho ra mắt nhiều mẫu mã đẹp, đa dạng loại hình nên có nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Các công ty thương mại đẩy mạnh việc nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước với mẫu mã đa dạng, chủng loại khác lạ với giá cả hợp lý cũng đã thu hút được người tiêu dùng.

Đáng lưu ý, nhằm thúc đẩy tiêu thụ trong dịp Tết, một số doanh nghiệp sản xuất tiếp tục triển khai áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi và đưa ra thị trường một số sản phẩm mới dành riêng cho dịp Tết Nguyên đán như Habeco, Sabeco...

Ngoài ra, các mặt hàng nông sản, đồ khô đa dạng, nhiều mẫu mã lạ, đặc sản địa phương vẫn tiếp tục thu hút người tiêu dùng, nhất là người dân tại các thành phố lớn. Các loại nông sản khô như đỗ xanh, nấm hương, mộc nhĩ, lạc, măng khô,... giá tương đối ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ khoảng 2%-3% so với ngày thường.

Theo Bộ Công Thương, giá bán hoa cây cảnh thấp hơn so với năm trước do nhu cầu giảm, một phần ảnh hưởng của dịch COVID-19 quay trở lại vào thời điểm sát Tết, một phần do thu nhập của người dân giảm. Vì vậy, giá bán hoa đào, quất tại các tỉnh phía Bắc giảm so với năm ngoái 5% - 10%.

Tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung hoa cây cảnh nhìn chung tương đương như năm ngoái, nhưng mức giá giảm nhẹ do nhu cầu giảm và khó khăn do dịch COVID-19 nên nhiều nhà vườn giảm quy mô. Các loại hoa, cây cảnh phổ biến khác như hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hồng... giá giảm 5-10% với cùng kỳ năm 2021./.