WELT: COVID-19 lại một lần nữa kiểm soát nước Mỹ. Tôi có nên vào một quán nhậu ở Texas đầy khách nhậu mà không đeo khẩu trang và chưa một lần tiêm chủng để cuối cùng có thể lây nhiễm biến thể Omicron?
Florian Krammer: Không nên.
WELT: Tại sao lại không, thưa giáo sư? Tôi đã tiêm chủng ba mũi rồi, vợ tôi cũng tiêm ba mũi rồi còn con trai đã hai mũi. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó tôi sẽ va chạm con virus này. Vậy sao không làm luôn bây giờ cho nó xong đi?
Krammer: Bởi vì có một rủi ro - không chỉ cho bạn, vì bạn có thể mắc các bệnh từ trước, mà còn cho những người cuối cùng bạn có thể lây nhiễm. Bạn bị nhiễm bệnh trong quán bar, sau đó vợ bạn cũng bị nhiễm bệnh, và sau đó có thể một người nào đó có liên quan đến bạn bị suy giảm hệ miễn dịch, tức là không có khả năng hình thành phản ứng miễn dịch.
Và sau đó người này có thể chết. Loại virus này vẫn gây tử vong cho nhiều người, hoàn toàn không phải là vô hại. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa biết liệu Omicron có gây ra vấn đề COVID kéo dài ở những người đã được tiêm chủng hay không. Chắc chắn chúng ta đã từng có những người được tiêm vaccine, bị lây nhiễm sau đó bị mất khứu giác và vị giác. Chúng ta vẫn chưa biết những ảnh hưởng lâu dài của nó như thế nào.
WELT: Có nghiên cứu cho thấy ai từng bị nhiễm omicron sau đó đều được bảo vệ tương đối tốt để chống lại biến thể virus delta. Đó không phải là một lý do để lây nhiễm Omicron hay sao?
Krammer: Không. Có thể giả định bất kỳ ai về cơ bản đã được miễn dịch - nghĩa là đã được tiêm chủng hoặc đã bị lây nhiễm một biến thể tiền Omicron, sau đó bị nhiễm Omicron đều có phản ứng miễn dịch rộng. Lý do là hệ thống miễn dịch có thể phản ứng chủ yếu với các vùng hợp nhất giống nhau giữa hai biến thể - và có một số tạo ra kháng thể trung hòa và sau đó thậm chí có thể vô hiệu hóa virus Sars-CoV-1. Đó là, theo quan điểm miễn dịch học, đây là một loại tiêm chủng để dẫn đến miễn dịch rộng rãi. Nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn có được khả năng miễn dịch này bằng vaccine đặc hiệu chống Omicron và không bị lây nhiễm.
WELT: Đồng nghiệp của ông là Peter Hotez ở Texas cho rằng thậm chí không thể sản xuất được loại vaccine thích ứng với Omicron vì cái gọi là lỗi kháng nguyên di truyền (antigenerbsuende). Ông có thể giải thích về điều đó không?
Krammer: Vấn đề này liên quan đến "recall response", có nghĩa là bạn có một trí nhớ miễn dịch chống lại virus cũ, và khi bạn đối mặt với virus mới, nó sẽ kích hoạt phần đó của hệ thống miễn dịch tấn công các bộ phận chung giữa virus cũ và virus mới. Bạn có thể giải thích nó như thế này: Nếu phần này của virus không tạo ra bất kỳ kháng thể trung hòa nào, thì điều đó nghĩa là bạn sẽ không được bảo vệ chống lại virus mới.
Và cái đó chính là cái được gọi là lỗi kháng nguyên di truyền. Nhưng điều đó dường như không phải là trường hợp này. Các phần giống nhau giữa Sars-CoV-2 cũ và Omicron trên protein bề mặt gai cũng là các phần phân tử tạo ra các kháng thể trung hòa. Lỗi kháng nguyên di truyền có vẻ không phải là một mối đe dọa thực sự đối. Vì vậy, tôi không lo lắng về điều đó, mặc dù tôi tôn trọng Peter Hotez.
WELT: Có ý kiến cho rằng Omicron có thể là con đường để thoát khỏi đại dịch vì cuối cùng nhiều người bị lây nhiễm đến mức virus không còn tìm thấy đủ ký chủ. Ngược lại ông thì cho rằng omicron sẽ kéo dài đại dịch. Vậy giờ ai là người có lý và vì sao?
Krammer: Tôi nghĩ, cả hai đều có lý. Nếu Omicron không xuất hiện lúc này thì điều gì sẽ xảy ra? Làn sóng Delta dù gì thì cuối cùng cũng xẹp xuống, điều đó hiện đã diễn ra. Biến thể Omicron sẽ còn quấy nhiễu một thời gian nữa, lúc này chủ yếu ở Châu Âu và Hoa Kỳ bây giờ bạn thấy nó xuất hiện ở Nam Mỹ rồi lan dần sang Châu Á. Điều đó có nghĩa là nó sẽ tiếp tục hoành hành một vài tháng nữa. Cái đó thực sự là có thể, còn đây là suy đoán, sau đó đại dịch sẽ kết thúc vì rất nhiều người đã bị lây nhiễm và có lẽ rất nhiều người có khả năng miễn dịch rộng rãi.
WELT: Liệu chúng ta phải chuẩn bị tinh thần đón bao nhiêu biến thể nữa?
Krammer: Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến hàng trăm biến thể mới. Vấn đề là ở chỗ các biến thể này có gây tác hại gì không. Chúng ta đã có biến thể Iota ở New York, nó không làm được gì nhiều. Rồi biến thể Kappa bùng phát rất nhanh rồi lặn mất tăm. Giờ đây nếu một biến thể mới xuất hiện tương tự như Omicron, nhưng phản ứng miễn dịch của chúng ta hoạt động tốt, nó sẽ gây ra ít ca lây nhiễm hơn.
WELT: Một số người tin rằng, những con virus sẽ tự động suy yếu đi. Điều đó có đúng không, thưa giáo sư?
Krammer: Có những loại virus lúc đầu sống chung với vật chủ. Một số loại retrovirus nhất định đã trở thành một phần trong bộ gene của chúng ta - chúng thậm chí không còn là virus thực sự nữa, nhưng đã chấp nhận cùng tồn tại với chúng ta, chúng không còn gây hại cho chúng ta và hệ thống miễn dịch của chúng ta cũng không còn tìm cách tiêu diệt chúng. Nhiều loại herpesvirus lây nhiễm sang người nhưng thường không gây bệnh nghiêm trọng; có lẽ không phải lúc nào nó cũng như vậy.
Nhưng đây là quá trình tiến hóa diễn ra quá lâu nên chúng ta không thể chờ đợi chúng. Đối với bệnh cúm, các chủng vi rút gây đại dịch thường gây bệnh nặng hơn so với virus cúm mùa. Lý do là: khi đại dịch virus đến từ các loài chim, chúng liên kết với các tế bào ở sâu trong phổi. Tuy nhiên, khi chúng thích nghi với con người, chúng có nhiều khả năng bám vào các tế bào ở đường hô hấp trên.
Điều này liên quan đến thụ thể, nó khác với virus cúm ở người so với các chủng cúm gia cầm. Chúng ta có thụ thể đối với cúm gia cầm nằm sâu trong phổi và thụ thể đối với virus cúm ở người ở đường hô hấp trên. Tất nhiên là tốt cho virus nếu nó chủ yếu nhân lên ở đường hô hấp trên, vì sau đó nó có thể lây truyền dễ dàng hơn.
Do ở sâu trong phổi nên bệnh thường nghiêm trọng và dễ dẫn đến tử vong, tuy nhiên lại không dễ dàng lây lan. Điều đó có sự thay đổi với virus cúm vì đã có sự thích nghi. Tuy nhiên không nhất thiết sẽ diễn ra như vậy! Điều này cũng có thể đi theo một hướng khác. Rất có thể đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải đối mặt với một biến thể Sars-CoV-2 gây ra nhiều căn bệnh nghiêm trọng hơn so với Omicron hiện nay.
WELT: Vậy có khả năng trong ba tháng xuất hiện một biến thể dễ lây lan như bệnh sởi và nguy hiểm chết người như Ebola?
Krammer: Tôi không nghĩ như vậy. Vấn đề không chỉ có sự thay đổi ở virus mà còn cả tình trạng miễn dịch trong dân chúng. Điều này làm virus gián tiếp bị suy yếu. Nếu tất cả chúng ta đều có khả năng miễn dịch cơ bản thì virus không dễ gì có thể gây ra nhiều thiệt hại.
Tất nhiên, có thể có những người bị virus tấn công do họ không tạo dựng được miễn dịch cơ bản. Đó là những người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc những người không chịu tiêm chủng. Nhưng với những người khác, những người có khả năng miễn dịch cơ bản, virus không còn có thể gây hại nhiều được nữa, ngay cả khi nó có thể gây bệnh nhiều hơn.
WELT: Liệu có trường hợp nào virus thoát khỏi mọi sự can thiệp của y học – nghĩa là cả tiêm chủng lẫn điều trị đều không có tác dụng?
Krammer: Không, tôi không thể tưởng tượng lại có điều đó.
WELT: Theo tờ the Economist thì đến giữa năm 2022 sẽ có đủ vaccine để tiêm chủng cho toàn nhân loại, kể cả châu Phi. Nhưng thậm chí có những người hoàn toàn không muốn tiêm phòng. Chuyện gì sẽ xẩy ra?
Kramer: Không có nhiều chuyện có thể xẩy ra. Những người chưa bị lây nhiễm và không được tiêm chủng cuối cùng sẽ bị nhiễm Sars-CoV-2. Tất cả chỉ có thế thôi.
WELT: Chúng ta phải đợi bao lâu để có vaccine có thể được dùng dưới dạng xịt mũi?
Krammer: Để xem. Chúng ta có một loại vaccine véc tơ mới mà bạn có thể tiêm vào bắp thịt hoặc để xịt mũi - hiện đã hoàn thành giai đoạn I ở Mexico và đang chuyển sang giai đoạn II dưới dạng xịt mũi. Chúng tôi cũng đang thử nghiệm tại Bệnh viện Mount Sinai - chúng tôi muốn bắt đầu giai đoạn lâm sàng trước Giáng sinh, nhưng vì Omicron gây ra hỗn loạn và bệnh viện quá bận rộn buộc chúng tôi phải hoãn lại một chút.
Có một vài doanh nghiệp khác cũng đang nghiên cứu về những thứ như thế, thí dụ Đại học Hồng Kông có dữ liệu giai đoạn III về vaccine cúm, Eckard Wimmer tại Đại học Stony Brooks có vaccine sống mà bạn có thể tiêm qua đường mũi. Tôi đoán chúng ta vẫn cần một thời gian trước khi có dữ liệu giai đoạn III để được phê duyệt. Nhưng nếu có những chế phẩm như vậy thì sẽ tốt.
WELT: Những loại thuốc chống virus như Paxlovid sẽ có vai trò như thế nào?
Krammer: Hiện tại vẫn còn quá ít, nhưng đó là một điều tuyệt vời. Có thuốc thì chỉ cần uống, không cần phải truyền. Thuốc có hiệu quả khá tốt. Qua thử nghiệm lâm sàng thuốc có thể giảm tới 89% số ca nhập viện và tử vong, đây là một yếu tố sẽ thay đổi cuộc chơi. Vấn đề duy nhất là nó khá phức tạp và tốn kém so với tiêm chủng. Và quan trọng là phải điều trị ngay, nếu đã thở oxy hay thở máy thì Paxlovid cũng sẽ vô dụng.
WELT: Israel đang tiêm mũi thứ tư cho những người trên 60 tuổi, theo giáo sư điều đó có hợp lý không?
Krammer: Tôi không biết, không có số liệu về điều đó. Điều gì xảy ra sau khi tiêm vaccine mũi thứ tư? Phản ứng miễn dịch yếu hơn so với sau khi tiêm vaccine mũi thứ hai hoặc thứ ba, có thể là gì? Chờ đợi vaccine chống Omicron có hợp lý hơn không? Mũi thứ ba quan trọng, nhưng tiêm mũi thứ tư đại đi như vậy mà không có bất kỳ dữ liệu nào, theo tôi ý tưởng này không hay lắm. Sẽ rất tốt nếu bạn thực hiện một nghiên cứu lâm sàng. Bạn phải đợi cho hệ thống miễn dịch trở lại bình thường. Đôi khi tôi có cảm giác nhiều người muốn tiêm vaccine mũi thứ tư một tháng sau mũi thứ ba, làm như vậy chẳng có ích gì.
WELT:Nhưng tất cả đều cho thấy chúng ta cứ bốn đến sáu tháng một lần lại phải tiêm chủng chạy theo một biến thể virus mới nào đó?
Krammer: Không hoàn toàn như vậy. Đúng là chúng ta phải chạy theo một biến thể virus nào đó để tiêm chủng , nhưng tôi không thể tưởng tượng nó sẽ giống như bệnh cúm, khi bạn phải tiêm phòng hàng năm. Tôi nghĩ nó sẽ giống như tiêm phòng chống TBE, cứ vài năm lại phải nhắc lại một lần. Người ta sẽ buộc phải làm điều đó nếu xuất hiện biến thể có thể gây chuyện.
WELT: Đại dịch này sẽ kết thúc như thế nào? Thông qua sự can thiệp của y học? Vì COVID-19 là một bệnh có thể chữa trị? Vì đã có dư số người đã bị lây nhiễm Sars-CoV-2?
Krammer: Thông qua sự hỗn hợp giữa lây nhiễm và tiêm chủng. Thực tế là khả năng miễn dịch cơ bản của dân chúng cao đến mức không thể hình thành các làn sóng mạnh mẽ - hoặc nếu hình thành các làn sóng thì hầu hết đều là các trường hợp lây nhiễm nhẹ.
WELT: Khi nào thì không phải đeo khẩu trang, thưa giáo sư?
Krammer: Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Bạn có thể bỏ nó nếu tỷ lệ mắc bệnh không quá cao. Nếu tỷ lệ mắc bệnh cao như ở New York hiện nay và chúng tôi không đeo khẩu trang trong tàu điện ngầm, thì tất cả mọi người khi ra khỏi toa tàu điện ngầm đều bị lây nhiễm. Nếu chúng ta chỉ có 30 ca mỗi ngày thay vì 40.000 ca, thì tôi không cần khẩu trang, đặc biệt nếu khả năng miễn dịch cơ bản rất mạnh. Và ở New York, khả năng miễn dịch cơ bản sẽ có sau Omicron. Nó đã rất mạnh trước đó. Cuối cùng câu hỏi còn lại là: Bạn có thường xuyên bị ốm trong hai năm qua không?
Cách đây hai tháng tôi bị lây nhiễm Rhinovirus , rất nhẹ thôi. Thế mà bạn biết không, rất là khó chịu vì hai năm liền chưa bị lần nào. Tôi nghĩ, tôi sẽ còn tiếp tục đeo khẩu trang N-95 trong mùa đông ở New York khi đi tầu điện ngầm. Đơn giản, tôi không muốn bị ốm.
WELT: Xin hỏi thêm hai câu hỏi không liên quan gì đến Corona. Thứ nhất: Tại ở Thung lũng Hula, Israel, hàng nghìn con sếu vừa chết vì một dạng cúm gia cầm mới, và người Israel đã giết cả gà để đề phòng. Điều đó có làm giáo sư lo lắng lắm không?
Krammer: Rất lo lắng. Nhưng mặt khác chúng ta cũng cần biết chuyện này thường hay xẩy ra. Sự khác biệt là, lúc này mọi người đều nhận thấy. Ba năm trước không ai để ý. Chúng ta luôn có những đợt bùng phát cúm gia cầm, có những ca lây nhiễm gây chết người, có điều nó không lây lan quá rộng.
Khi bạn nhìn vào những gì đang diễn ra trong các đợt bùng phát dịch bệnh từ động vật lây sang người trên khắp thế giới, điều đó thật đáng kinh ngạc! Các chủng cúm gia cầm H5NX có khả năng gây bệnh cao cũng đã lan đến Bắc Mỹ vài năm trước. Tất nhiên tôi lo lắng về điều đó, đó là lý do tại sao tôi đang nghiên cứu một loại vaccine chống cúm đa năng. Nhưng lý do đó có làm tôi mất ăn mất ngủ không? Không.
WELT: Câu hỏi thứ hai: Thuốc kháng sinh của chúng ta không còn có tác dụng vì ngày càng có nhiều chủng vi khuẩn kháng thuốc. Chúng ta có thể tính toán không lâu nữa chúng ta sẽ bước vào thời kỳ hậu kháng sinh. Câu trả lời là gì? Thuốc tiêm chủng MRNA? Công nghệ nano? Hay là thế hệ sau sẽ sống trong một thế giới nơi bệnh dịch hạch quay trở lại?
Krammer: Câu trả lời là, cần đầu tư nhiều tiền của vào khâu nghiên cứu. Nghiên cứu thuốc kháng sinh một thời gian dài bị coi là con rơi, con ghẻ! Không ai còn quan tâm, đoái hoài đến nó vì đã có thuốc kháng sinh phát huy tác dụng. Chúng ta cần có các loại thuốc kháng sinh mới, chúng ta cần liệu pháp phage, chúng ta cần protein phage có thể tiêu diệt vi khuẩn, sau đó cũng có những cách tiếp cận với kháng thể đơn dòng, với vaccine tốt hơn, v.v. Thật không may tất cả những cái đó lại ít được ưu tiên. Các nhà nghiên cứu và chuyên gia y tế đã cất tiếng nói tuy nhiên về mặt chính sách, điều này chưa được thừa nhận./.