Đại biểu Quốc hội đề nghị có đánh giá tổng thể tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội

Đề cập tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị có đánh giá tổng thể vì “mình cứ nói ô nhiễm nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể là từ đâu”.

Tiếp tục chương trình Phiên họp 41, sáng nay (7/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

phap-luat-bao-ve-moi-truong-1-1736233261.jpg
Quang cảnh Phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh Quốc hội)

Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024 và các thời kỳ trước và sau có liên quan.

Tập trung giám sát việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Trình bày một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết, dự thảo Kế hoạch đã xác định các mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát. Theo đó, mục đích của việc giám sát là xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp (xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện) để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Hoạt động giám sát phải bảo đảm yêu cầu là việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường cần bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể được xác định trong các văn kiện của Đảng và quy định của pháp luật có liên quan. Việc tiến hành giám sát đúng quy định pháp luật; bảo đảm tính toàn diện, khách quan, trung thực và tiến độ theo kế hoạch.

Đối tượng giám sát bao gồm Chính phủ; các Bộ thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng; Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan. Về phạm vi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024 và các thời kỳ trước và sau có liên quan.

phap-luat-bao-ve-moi-truong-2-1736233373.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát trình bày báo cáo. (Ảnh Quốc hội)

Về nội dung giám sát, Đoàn giám sát tập trung vào các nội dung gồm việc ban hành, hoàn thiện và tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, với việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, Đoàn sẽ đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường; đánh giá kết quả xây dựng, ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; việc lập và thẩm định Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.

Với việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, Đoàn sẽ đánh giá việc tổ chức thi hành, thực hiện chính sách pháp luật và nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung đánh giá một số nội dung trọng tâm sau: Việc bố trí và sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường;

Việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, công tác đánh giá đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường;

Hoạt động kiểm soát ô nhiễm gồm kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường (chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí); chống ngập úng ở các đô thị; Việc quản lý chất thải (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng);

Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; Tổ chức phát triển thị trường các-bon, trong đó có nội dung trao đổi tín chỉ các-bon rừng.

Cần rà soát nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất lớn

Đề cập tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị có đánh giá tổng thể vì “mình cứ nói ô nhiễm nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể là từ đâu”.

Ông cho rằng, đoàn giám sát cần rà soát nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào. Bên cạnh đó là kiểm soát bụi xây dựng; đốt rác thải, vật liệu nông nghiệp.

“Cơ quan chuyên môn cần khơi ra, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp. Như ở Bắc Kinh, có thời gian ô nhiễm nặng nề nhưng sau khi chuyển hết công nghiệp ra khỏi khu vực ngoại vi, tổ chức lại cây xanh, giờ đây Bắc Kinh có ai nói ô nhiễm nữa đâu!”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

phap-luat-bao-ve-moi-truong-3-1736233406.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. (Ảnh Quốc hội)

Cho ý kiến về kế hoạch này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, việc xử lý rác thải điện tử, pin năng lượng rất cần được dự báo và có giải pháp xử lý sớm vì có thể trở thành thách thức nan giải trong tương lai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản đồng tình với mục tiêu, thời gian và phương thức tiến hành giám sát, song nhấn mạnh, hoạt động giám sát phải đưa ra được những kiến nghị chính sách mạnh mẽ theo nguyên tắc ai gây ra ô nhiễm phải trả phí khắc phục môi trường.

“Anh thải ra 100m3 nước thải phải trả phí xử lý 100m3 nước thải đó. Việc giám sát ở các địa phương phải chú ý đặc thù của từng địa phương để có kế hoạch khác nhau, ví dụ như với Hà Nội, ô nhiễm không khí đang rất bức xúc thì tập trung vào lĩnh vực ô nhiễm không khí”, ông Nguyễn Khắc Định gợi ý.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải dẫn ví dụ Thái Nguyên đã có hệ thống quan trắc tự động, kết nối tất cả các cơ sở công nghiệp lớn trên địa bàn nên lãnh đạo địa phương có thể biết được tình hình tức thời, do đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật.

Liên quan đến xây dựng nhà máy xử lý rác rất, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, vấn đề này gặp khó khăn, hay bị phản ứng vì người dân xung quanh bị ảnh hưởng. Sau giám sát cần có chính sách thoả đáng cho dân, hạn chế khiếu nại tố cáo.

phap-luat-bao-ve-moi-truong-4-1736233457.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu. (Ảnh Quốc hội)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Chính phủ và UBND TP Hà Nội cũng đã có giải pháp cho ô nhiễm không khí nhưng đây là vấn đề cần được giám sát, sau đó cần hành động quyết liệt hơn.

“Gần đây nhất, thành phố New York của Mỹ đã thu phí, đánh thuế và không cho ô tô đi vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng, hay tắc nghẽn giao thông. UBND Hà Nội cũng đã có kế hoạch thực hiện việc này. Rất mong qua việc giám sát lần này sẽ có biện pháp mạnh mẽ hơn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể để cùng đoàn giám sát giúp cuộc giám sát thiết thực, chỉ ra được giải pháp”, theo ông Lê Công Thành.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị đoàn giám sát căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó đề ra các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025 xem các địa phương thực hiện có đảm bảo hay không.

Ví dụ như tỷ lệ sử dụng nước sạch của khu dân cư thành thị, nông thôn; tỷ lệ thu gom rác, xử lý chất thải sinh hoạt; các địa phương có nhà máy xử lý rác đảm bảo đúng tiêu chuẩn không, rác xử lý đốt hay chôn lấp; rồi các khu công nghiệp, khu chế xuất có đảm bảo thu gom nước thải không hay xả ra kênh, ra sông?

Theo ông Trần Thanh Mẫn, nguy hiểm nhất là rác thải y tế, chưa kể an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề rất nóng, rất trúng. Báo cáo giám sát phải chỉ ra điểm được, chưa được. Văn bản đầy đủ rồi nhưng quan trọng là làm như thế nào cho có kết quả.

“Cái này phải đánh giá thật kỹ. Phải chỉ ra mặt mạnh từ khi có luật, từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và chỉ ra nơi nào còn hạn chế, yếu kém, tìm ra được nguyên nhân chủ quan và khách quan” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị không nói chung chung, đề xuất trách nhiệm rõ ràng trong hoàn thiện các quy định, nguồn lực cho bảo vệ môi trường./.

Bình Nguyên