Người dành 20 năm sưu tầm hiện vật lập bảo tàng là ông Lâm Văn Bảng (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ông lập bào tàng để lưu giũ những hình ảnh tái hiện sự khốc liệt của 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, đề tri ân đồng đội và cũng góp phần giáo dục thế hệ mai sau về lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc. Như lời ông chia sẻ: "Được gắn bó với bảo tàng là niềm vui của tôi. Hy vọng những câu chuyện, công việc mà chúng tôi đang làm sẽ lan tỏa và truyền lửa đến các thế hệ mai sau, tiếp bước cha ông, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc”.
Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày lập kỷ lục Việt Nam
Sau gần 20 năm dành trọn tâm huyết, sức lực, đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao Kỷ lục: Nơi lưu giữ, trưng bày các mô hình, hiện vật hình ảnh về chủ đề “Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày” nhiều nhất Việt Nam. Hiện bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày do ông Lâm Văn Bảng làm giám đốc đang trưng bày, lưu giữ hơn 5.000 hiện vật, hình ảnh tư liệu, gần 6.000 cuốn sách tái hiện sự khốc liệt của 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên và duy nhất ở nước ta lưu giữ được nhiều hiện vật quý như vậy. Ông Thang Văn Phúc - Nguyên thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch TW Hội Kỷ lục Gia Việt Nam khẳng định trải qua gần 20 năm thành lập, Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày đã làm tốt công tác sưu tầm, thu thập và bảo quản hiện vật; góp phần lưu giữ lại truyền thống cách mạng của các thế hệ chiến sĩ trong chiến tranh. Bảo tàng là địa chỉ đỏ được nhiều người lựa chọn khi muốn tìm hiểu về lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc.
Vốn là một cựu tù binh Phú Quốc, ông Bảng đã nhiều lần chứng kiến đồng đội của mình phải chịu đựng sự tra tấn dã man của kẻ thù như: đổ nước sôi, đóng đinh vào đầu, nhổ răng, nhốt vào chuồng cọp....Dù vậy các chiến sỹ vẫn một lòng kiên trung, luôn một lòng sắt son với Đảng. Để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về lòng trung thành, dũng cảm bảo vệ Tổ quốc của thế hệ cha ông, ông Bảng đã dành 2.000m2 đất của gia đình để làm Bảo tàng.
Ông đã đi khắp mọi miền đất nước, đặt chân tới các nhà tù để tìm kiếm các di vật chiến tranh từ đồng đội và gia đình các liệt sỹ còn lưu giữ. “Được gắn bó với Bảo tàng là niềm vui của tôi cũng như anh em cựu chiến binh. Hy vọng những câu chuyện, công việc mà chúng tôi đang làm sẽ lan tỏa và truyền lửa đến các thế hệ mai sau, tiếp bước cha ông, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc”, ông Bảng tâm sự.
Để bảo tàng được phát triển như ngày hôm nay, ít ai biết được ông Bảng đã trải qua biết bao gian khó, hàng xóm dị nghị, gia đình phản đối. Nhưng mặc, ông vẫn quyết tâm thực hiện. Ông đã bán đi ngôi nhà và một suất đất để xây dựng bảo tàng. “Ông Lâm Văn Bảng là người có ý chí và nghị lực rất lớn vì ông là thương binh loại ¼, đây cũng là tấm gương mà tôi thấy mình phải học tập cần phải góp sức với ông để làm công việc ý nghĩa này”, ông Nguyễn Đình Quốc chia sẻ.
Nơi gửi gắm và lan tỏa tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc
“Hiện nay, Bảo tàng có gần 20 cựu chiến binh đảm nhận mọi công việc. Họ chính là những hướng dẫn viên am hiểu nhất về những hiện vật tại bảo tàng. Mọi người đến đây với tinh thần tự nguyện, mỗi người mong muốn góp chút công sức như một sự tri ân với đồng đội đã hi sinh”, bà Vũ Thị Huân một trong những cán bộ của bảo tàng cho biết.
Những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại bảo tàng đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc tự hào xen lẫn sự xúc động. Qua đó khắc sâu hơn tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của thế hệ cha anh.
Ông Phan Cao Lạc - Chủ tịch UBND xã Nam Triều cho rằng những hiện vật được ông Lâm Văn Bảng cùng các đồng đội trưng bày trong bảo tàng thể hiện ý chí kiên trung, bất khuất của người chiến sỹ cộng sản, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thệ hệ hôm nay và mai sau.
Không chỉ dành tâm huyết xây dựng bảo tàng, thời gian qua, ông Lâm Văn Bảng còn luôn quan tâm đến các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều căn nhà tình nghĩa, nhiều suất quà ý nghĩa đã được ông và đồng đội gửi tới thân nhân của họ. Với mong muốn được thay những đồng đội đã ngã xuống để gánh vác trách nhiệm của một người cha, ông Bảng đã thành lập “Hội con liệt sỹ huyện Phú Xuyên”. Đây được xem là chỗ dựa tinh thần để những người con liệt sỹ vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Kể từ khi tham gia “Hội con liệt sỹ huyện Phú Xuyên”, bà Nguyễn Thị Ngợi luôn nhận được sự quan tâm chia sẻ của ông Lâm Văn Bảng. Không chỉ giúp đỡ về vật chất mà mỗi khi gặp khó khăn ông Bảng còn như người cha, người anh luôn ở bên động viên, khích lệ tinh thần bà. “Dù anh công việc rất bận nhưng luôn quan tâm đến những người con liệt sỹ, anh lúc nào cũng quan tâm đến chúng tôi, những năm dịch Covid anh còn cấp gạo, tiền, lúc nào cũng có quà vào những ngày lễ, Tết. Sự quan tâm của anh khiến chúng tôi rất cảm động, không biết nói thế nào”, bà Ngợi chia sẻ.
Sự quan tâm của ông Bảng đã góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát của những gia đình liệt sỹ, là nguồn động viên lớn để mỗi gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Xuyên – hội viên Hội con liệt sỹ huyện Phú Xuyên cho biết.
Ở tuổi ngoài 80 nhưng ông Lâm Văn Bảng vẫn mong muốn đem nhiệt huyết của mình để truyền lại cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau. Nói về ông, nhiều người cho rằng “Phải là người có tâm lắm mới làm được điều này". Suốt cuộc đời, ở bất cứ cương vị nào, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông vinh dự nhận được gần 20 Bằng khen của các cơ quan từ bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể và là một trong 70 Công dân Ưu tú toàn quốc năm 2018./.