Cuộc đời "Cô bé" từng vẽ chú Sáu Dân

Lúc 6 tuổi, cô được chú Sáu Dân khen đẹp như tranh, lớn lên và trưởng thành, cô là một phụ nữ kiều diễm như diễn viên Văn công.

“Hẹn hò” từ mùa Xuân, đến đầu mùa Thu (2023), tôi mới trở lại Bình Dương để gặp “cô bé” vẽ tranh chú Sáu Dân năm xưa, tên gọi thân mật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Cô bé” có tên gọi rất giống tên con trai nếu bỏ đi chữ "Thị". Gọi là "cô bé" cho thân mật thôi chứ cô Trần Thị Kim Huy cũng đã ngoài 60.

Cô Trần Thị Kim Huy kể lại cho tôi kỷ niệm không thể nào quên khi cô mới 6 tuổi, ở vùng Tam Giác Sắt, ấp Đất Ung (Cỏ Trắc), xã Thanh An, huyện Bến Cát, Sông Bé, quê cô (nay là xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Trong kháng chiến giải phóng dân tộc, quê hương cô là một cơ sở che chở và tiếp tế cho cán bộ, chiến sỹ Cách mạng.

dsc-1783-1693709348.JPG
Chân dung cô Trần Thị Kim Huy (Ảnh chụp lại)

Năm 1964, giai đoạn chú Sáu Dân ở nhờ, một hôm thấy chú mặc áo màu sáng, đang nằm ngủ trên chiếc võng đung đưa, thế là cô bé Kim Huy 6 tuổi lấy giấy, bút chì ra, rồi vẽ để tặng chú. Thực ra cô cũng đã quên bức vẽ, song 17 năm sau, tức 1981, chú Sáu Dân lúc này đã là cán bộ cấp cao nhưng vẫn không quên cử cán bộ đi tìm về “cứ”, đón bà Bẩy Xẩm, mẹ cô và cô (bố cô là liệt sỹ) đến gặp chú tại nhà chú Ba Lân, ở Bến Dược, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Được gặp lại chú Sáu Dân sau 17 năm, mẹ và cô vô cùng cảm động, vừa mừng vui vì chú Sáu Dân đã là một cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn không quên một người dân bình thường đã giúp đỡ mình trong kháng chiến. Một chi tiết tuyệt vời mà cô nhớ mãi, thời ấy chú Sáu Dân khen cô lúc nhỏ đẹp như tranh. Và cho cô xem lại “bức tranh” bút chì (chú đang nằm võng), do chính cô vẽ tặng chú năm xưa, mà chú lưu giữ.

Đây là một kỷ niệm nhỏ, nhưng vô cùng xúc động và rất quý về tình cảm của cán bộ cách mạng với nhân dân. Kỷ niệm của bậc cha chú, với một thiếu nhi bậc con cháu, trong những tháng năm đấu tranh giải phóng đất nước của chúng ta. Và lần gặp lại chú Sáu Dân, đã giúp Trần Thị Kim Huy thêm nhiều nghị lực, niềm tin yêu cuộc sống. Năm ấy cô mới 23 tuổi đã xây dựng gia đình. Cô không được học vẽ để thành hoạ sỹ, mà cô được học ngành kế toán và làm kế toán trưởng HTX xã Thanh An, quê cô. Đến năm 1985, cô làm kế toán Công ty Cao su Dầu Tiếng. Những năm sau này làm Giám đốc Công ty Khai thác Á Châu và Giám đốc Công ty Mặt Trời Đỏ, ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Rồi khi trở về Bình Dương cô được bầu 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch MTTQ xã Bình Nhâm, huyện Thuận An. Nay là phường Bình Nhâm, TP Thuận An.

Từ khi 6 tuổi, cô đã được chú Sáu Dân khen đẹp như tranh. Lớn lên và trưởng thành, cô là một phụ nữ kiều diễm như diễn viên Văn công. Cô lại có năng khiếu ca hát và tuyên truyền… Năm 2000, tham gia thi Tiếng hát Phụ nữ Bình Dương, cô được giải nhất. Năm 2001, tham gia hưởng ứng hội thi tiếng hát người cao tuổi, tỉnh Bình Dương, cô được giải xuất sắc. Năm 2005, tham gia hội thi tuyên truyền viên giỏi Làng Văn hoá, Sức khoẻ toàn quốc, cô được giải ba. Năm 2016, tham gia cuộc thi Duyên dáng phụ nữ Thuận An, cô được giải nhất. Năm 2019, tham gia thi Phụ nữ Bình Dương tài năng, cô được giải ba. Và hiện nay cô về quê (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng), mở quán “Hát với nhau”, cùng giao lưu với mọi người. Giọng hát của cô vẫn trẻ trung, cô là một người cao tuổi tiêu biểu sống vui, sống khỏe, lạc quan, yêu đời.

Tuy nhiên, cô cũng là kiếp “hồng nhan” trong đời tư, cô cũng đã phải ly hôn với người chồng phụ bạc. Song, cô vượt qua nỗi đau để tìm nguồn vui trong cuộc sống, Trần Thị Kim Huy, cô bé vẽ tranh chú Sáu Dân năm xưa, không “bạc phận”. Cô là một phụ nữ thành đạt, đức hạnh, tài, sắc vẹn toàn. Lối sống tích cực của cô có sức thuyết phục hơn nhiều với cộng đồng, một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu trong đời sống hiện tại.

Nguyễn Thành Lập