Chống khai thác IUU: Cuộc chơi mang tính toàn cầu

Theo quy định, ngoài việc cấm nhập khẩu, các quốc gia thành viên EU phải xử phạt thấp nhất là 5 lần giá trị lô hàng vi phạm tiêu chuẩn IUU.
2-1696894800.jpg
Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng đánh bắt IUU là cách loài người bảo vệ các đại dương, bảo vệ “ngôi nhà chung” của hành tinh - Ảnh: The Asean Post

Các nước ASEAN đã mất hàng tỷ USD kể từ đầu thập niên, do phải nhận những “thẻ vàng” thủy sản, xuất phát từ tình trạng “IUU fishing”, nghĩa là những hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp (illegal), không có báo cáo (unreported) và không được quản lý (unregulated).

Tháng 4/2015, Thái Lan nhận “thẻ vàng” từ EU. Trước đó, thủy hải sản của nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng bị chặn lại trước cửa thị trường này, như Philippines (tháng 6/2014) hay Campuchia (nhận “thẻ đỏ” tháng 3/2014). Ngành ngư nghiệp - thủy hải sản của cả ASEAN chấn động. Và nhu cầu về một bước ngoặt trong nhận thức xuất hiện.

Năm 2016, ASEAN cùng nhau ra một thông cáo chung, thể hiện sự đồng thuận trong mục tiêu “tuyên chiến” với tình trạng “IUU fishing”, nhằm hướng đến việc cam kết tăng cường đánh bắt bền vững trong khu vực, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản ASEAN trong chuỗi giá trị quốc tế, thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn cũng như quy định quốc tế. Trước đó, ngay từ năm 2015, ASEAN đã soạn thảo kỹ lưỡng một văn bản mang tên “Hướng dẫn của ASEAN về ngăn chặn sự xâm nhập của cá và các sản phẩm thủy sản từ các hoạt động đánh bắt IUU vào chuỗi cung ứng”.

Cuộc cải cách mạnh mẽ của ngành thủy hải sản Thái Lan, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, được tiếp thêm động lực nhờ tầm nhìn chung này. Và do đó, những thành công bước đầu đạt được tạo động lực tương hỗ cho những cố gắng thay đổi tầm cao ấy, trong một chuỗi vận động không ngừng nghỉ. Ngày 8/1/2019, EC tuyên bố gỡ “thẻ vàng”, thừa nhận những tiến bộ thực chất mà Thái Lan đạt được trong việc giải quyết các hoạt động đánh bắt cá IUU kể từ năm 2015.

Tương tự và còn sớm hơn nhiều so với Thái Lan, Philippines cũng đã thực hiện những biện pháp cứng rắn, hướng tới khả năng đáp ứng bền vững các yêu cầu ngày một cao về tiêu chuẩn nguồn gốc, xuất xứ từ các thị trường “khó tính” nhất trên thế giới, thông qua định hướng chiến lược vĩ mô, khung pháp lý, chế tài nghiêm khắc cùng tiến trình áp dụng các công nghệ thông tin hiện đại. Nhờ vậy, chỉ đến năm 2015, Philippines đã được EU gỡ “thẻ vàng”, từ đó tiếp tục xây dựng và triển khai những “bước tiến thần kỳ” cho ngành thủy hải sản, thậm chí đã nhận “thẻ xanh”.

Những nỗ lực cải cách nghề cá của Philippines hay Thái Lan rõ ràng là tấm gương dành cho không chỉ riêng các thành viên ASEAN. Và hơn hết, khi các quốc gia có biển cùng nhau tuân thủ những quy định ngặt nghèo về khai thác thủy hải sản, mọi vùng biển đều sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt. Đó không chỉ còn là câu chuyện kinh doanh hay thương mại nữa. Đó còn là nghĩa vụ đối với ngôi nhà chung vĩnh cửu của cả nhân loại - Hành tinh Xanh…

Đối với Việt Nam, trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Mỗi năm, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 350 - 400 triệu USD nếu mất thị trường EU. Đáng lo ngại nữa, do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Theo quy định của IUU, ngoài việc cấm nhập khẩu, các quốc gia thành viên EU phải xử phạt thấp nhất là 5 lần giá trị lô hàng vi phạm tiêu chuẩn. Hơn nữa, việc cấm nhập khẩu hay phạt thẻ vàng còn khiến đối tác tại EU lo ngại cùng chuyển đổi nguồn cung cấp, khiến các nước xuất khẩu hải sản mất thị phần. Trong trường hợp tình hình đánh bắt hải sản của nước xuất xứ được cải thiện theo quy định IUU, thẻ vàng sẽ bị dỡ bỏ.

Ngược lại, nếu không có gì cải thiện thì những lô hàng hải sản từ các quốc gia này sẽ bị phạt thẻ đỏ, nghĩa là bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU, đồng thời bị đưa vào danh sách theo dõi. Và như thế thiệt hại về kinh tế sẽ vô cùng lớn. Đây là luật chơi mang tính toàn cầu, những luật lệ của các nước phát triển là kinh nghiệm quý báu họ đã từng trả giá. Thực hiện tốt IUU chính là thể hiện trách nhiệm của chúng ta với hành tinh và các thế hệ tương lai.

Đình Kính TH