Cảm hứng của bộ sưu tập “O Collection” được lấy từ môn nghệ thuật Kintsugi - bộ môn nghệ thuật cổ xưa của người Nhật biến gốm vỡ thành những kiệt tác hồi sinh từ vàng.
Theo đó, Kintsugi mang trong mình một triết lý Phương Đông pha lẫn phương Tây, nếu gốm vỡ trở nên xinh đẹp, bền vững hơn khi được hàn gắn từ vàng thì sự biến đổi ấy cũng sẽ diễn ra với chính con người chúng ta khi ta biết chấp nhận từ những điều không hoàn hảo và sống với nó như một vẻ đẹp do cuộc sống ban tặng. Bao gồm sự khiếm khuyết về cơ thể, tinh thần, nỗi đau và những phút giây tuyệt vọng,...
O Collection của nhà thiết kế Phan Ngọc Xuân Thảo, gồm 18 bộ trang phục được may từ những mảnh vải vụn bỏ đi, được thu thập từ các tiệm may khắp Hội An. Sau đó được những người thợ may khuyết tật ở Quảng Nam, Đà Nẵng cần mẫn hoàn thiện. Xoay quanh 4 chủ đề: Kết nối – Hàn gắn – Chữa lành – Tỏa sáng. O Collection như là nguồn cảm hứng, là thông điệp, là câu chuyện của sự kết nối, chia sẻ giữa con người và con người, giữa con người và xã hội - một vòng quay cộng đồng, một vòng quay sẽ không xác định điểm khởi đầu, và cũng không có điểm kết thúc, cứ thế mà mọi thứ đến và hòa quyện với nhau.
Tại Cửa tiệm Hạnh phúc, nhà thiết kế đã khám phá ra rất nhiều điều kỳ lạ, ở đây, những người phụ nữ khuyết tật luôn luôn ngập tràn tiếng cười, ánh mắt chứa đựng niềm tin và hy vọng. “Tôi đã xúc động khi nghe chia sẻ của các chị em, về những khao khát bình thường nhưng đối với họ là thật lớn lao. Họ muốn có một tấm áo đẹp, một đôi giày xinh và dạo bước rong chơi không lo nghĩ. Tôi biết rằng ngay giây phút này, ở đâu đó, vẫn có những người phụ nữ với cùng ước mơ và hoài bão giống như tôi. Họ mang trong tim tình yêu và nghị lực phi thường, họ thậm chí có thể làm tốt hơn tôi. Nghị lực và tình yêu họ mang trong mình đã xoa dịu trái tim tôi”.
18 người mẫu tham gia buổi trình diễn bộ sưu tập O Collection là những người khuyết tật đang làm việc tại CORMIS (Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng) và Cửa tiệm hạnh phúc. Đây là những người phụ nữ nghị lực, thầm lặng làm công việc tái chế, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường.
“Như bao phụ nữ khác, tôi cũng có những khát khao bình thường như được ăn mặc đẹp, được cảm thấy tự tin về cơ thể mình, được sống, làm việc bình đẳng và được coi trọng. Tuy nhiên, khiếm khuyết về cơ thể luôn là một rào cản lớn đối với những người như tôi. Ngày hôm nay, tôi đứng đây với một niềm tự hào và biết ơn mãnh liệt. Tôi vô cùng xúc động khi thấy mình và các chị em được khoác lên mình những thiết kế vừa vặn và ai cũng thật xinh đẹp, tự tin trong bộ áo dài tái chế. Đây là điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng hôm nay, nó đã là sự thật” – Chị Thái Thị Kim Cúc, chủ Cửa tiệm Hạnh phúc cho biết.
Xúc động biết bao khi tận mắt chứng kiến chị em khuyết tật khoác lên mình bộ trang phục truyền thống được chắp nối từ những mảnh vải vụn tưởng như đã bị bỏ đi. Những người mẫu có thể không toàn vẹn, những mảnh vải có thể không toàn vẹn. Nhưng có lẽ chúng ta đã quên mất, rằng, tất cả những gì nguyên lành nhất, đều kiến tạo từ chút gì đó không toàn vẹn. Sự chuyển hóa bắt đầu khi ta trở nên nát tan từng mảnh vụn. Tiếp theo, mọi thứ cứ âm thầm khâu vá, và sự sống mới bắt đầu…