Coteccons “thâu tóm” 100% vốn một công ty cùng ngành xây dựng

Công ty quyết định mua 100% cổ phần một doanh nghiệp cùng ngành xây dựng nhằm mở rộng hoạt động, tăng doanh thu.
bolat-167-1697679765.jpg
Coteccons “thâu tóm” 100% vốn một công ty cùng ngành xây dựng.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) vừa công bố thông tin trích dẫn nghị quyết hội đồng quản trị liên quan tới hoạt động M&A doanh nghiệp khác.

Theo đó, ngày 18/10, HĐQT CTD đã phê duyệt chủ trương mua lại 100% vốn góp của một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

“Mục đích giao dịch nhằm mở rộng hoạt động của Coteccons và tạo ra sự đa dạng hóa cho hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện nay là xây dựng nhằm tăng thêm nguồn doanh thu cho toàn tập đoàn và nâng cao thương hiệu của Coteccons trên thị trường”, CTD cho biết.

Theo đó, HĐQT ủy quyền cho ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT và ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc thực hiện ký kết các hợp đồng, văn bản và thực hiện các thủ tục để hoàn tất giao dịch M&A doanh nghiệp cùng ngành xây dựng.

Hiện doanh nghiệp chưa tiết lộ thông tin chi tiết công ty dự định thâu tóm cũng như giá trị thương vụ.

Mới đây, Coteccons vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2023. Trong đó, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ nhiều thông tin xoay quanh hoạt động kinh doanh.

Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm là việc CTD “trượt” thầu thi công dự án sân Long Thành.

Lần đầu chia sẻ về chuyện này, ông Bolat Duisenov cho biết, sân bay Long Thành là cơ hội lớn nhưng công ty đã không giành được.

“Tôi đã rất buồn, có nhiều cảm xúc phải trải qua, nhưng đây chỉ là một trong nhiều dự án lớn mà Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện. Nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, Việt Nam sẽ cần nhiều dự án hạ tầng lớn và các dự án đầu tư công lớn. Chẳng nhẽ nếu không thắng thầu sân bay Long Thành thì chúng tôi phải bỏ về không làm gì hết sao. Chúng tôi phải tiếp tục tìm kiếm cơ hội và làm việc”, ông Bolat chia sẻ.

Ông Bolat cho biết, thị trường và thị phần hạ tầng, đầu tư công mà CTD có thể tham gia rất lớn. Mảng hạ tầng chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động của Coteccons.

“Tương lai của một công ty xây dựng lớn không thể ảnh hưởng chỉ bởi thất bại trong một dự án đấu thầu. Do đó các nhận xét liên quan là rất cảm tính”, Chủ tịch CTD cho biết.

Trước câu hỏi liên quan tới việc tập đoàn Tân Hoàng Minh đã nộp hơn 8.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ sai phạm trái phiếu, vậy khoản nợ xấu của Tân Hoàng Minh với Coteccons ra sao, Chủ tịch Coteccons cho biết Tân Hoàng Minh đang nợ CTD khoảng 500 tỷ đồng.

“Khi trời mưa thì ai cũng ướt, cùng một thị trường thì khi có biến động chúng tôi khó tránh khỏi. Với tôi, việc Tân Hoàng Minh có thể đưa ra số tiền như vậy là một tin tích cực. Với bước tiến mới này thì chúng tôi có thể tiếp tục theo đuổi các việc thu hồi nợ”, ông Bolat cho biết.

Liên quan tới thắc mắc của cổ đông về mục tiêu năm 2025 công ty sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD, vốn hóa 3 tỷ USD là "khẩu hiệu suông", Chủ tịch CTD cho rằng công ty có thể đạt được mục tiêu, nhưng cần nhiều thời gian hơn.

Về diễn biến giá cổ phiếu CTD, Chủ tịch Coteccons cho rằng, giá cổ phiếu CTD hiện giao dịch quanh mức 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị công ty.

“Giá cổ phiếu không hề phản ánh giá trị, cũng như năng lực, tiềm năng của công ty, bởi giá cổ phiếu đang được tính toán theo cách rất truyền thống, mới nhìn vào trước mắt. Nếu nhìn sâu hơn vào các năng lực, mục tiêu có ý nghĩa, sự minh bạch mà công ty đang đề ra thì chắc chắn giá cổ phiếu phải cao hơn hiện tại", ông Bolat chia sẻ.

Về kết quả kinh doanh, trong năm tài chính 2023, Coteccons ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 7.744 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 88% kế hoạch đặt ra là 7.644 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 52 tỷ đồng, tương đương 118% so với kế hoạch đặt ra là 44 tỷ đồng và tăng 862% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm tài chính 2024, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 274 tỷ đồng.

Huyền Châm