Con dâu và con đẻ

Mẹ tôi nghỉ hưu nhưng người làng vẫn gọi là cô giáo. Người làng đi qua ngõ hay ghé thăm "cô giáo" nói đủ thứ chuyện trong xóm ngoài làng. Rồi thi thoảng mẹ kể lại cho tôi nghe. Không ít chuyện nghe mẹ kể, tôi đã viết thành những truyện ngắn như "Mùa hoa cải bên sông", "Hai người đàn bà xóm trại", "Rùa trắng"...
su-khac-biet-giua-con-dau-va-con-gai-doi-voi-me-chong-1656406610.jpg

Có một người đàn bà trong làng thi thoảng ghé chơi và chỉ nói chuyện về con dâu của bà. Hầu như cô con dâu của bà chẳng được điểm gì. Cô con dâu làm gì bà cũng chê cho dù không phải cái gì cô con dâu làm cũng dở và đáng chê trách đến như thế. Chuyện về người đàn bà ấy và con dâu tôi cũng chỉ nghe mẹ kể lại.

Nhưng sau một thời gian trò chuyện với mẹ tôi, người đàn bà đã thay đổi thái độ với con dâu của bà. Người đàn bà đó cảm thông và chia sẻ với con dâu hơn.

Tôi hỏi mẹ tôi vì sao người đàn bà ấy đã thay đổi. Mẹ tôi bảo: "Mẹ hỏi bà ấy nếu cô con gái bà cũng làm như con dâu bà thì bà có khó chịu đến thế không". Rồi mẹ tôi nói các cô con gái của mẹ cũng có những điều tương tự nhưng mẹ tôi lại không bao giờ khó chịu và chì chiết như thế. Mẹ tôi bảo bà thử so sánh công bằng lời nói và việc làm của con gái mình với con dâu xem thế nào.

Rồi mẹ nói với tôi khi một người thân của mình làm một việc chưa hay, chưa phải thì mình dễ dàng cảm thông và tha thứ. Nhưng nếu một người dưng làm vậy mình dễ dè bỉu, đưa chuyện, bôi bác, xỏ xiên... Ôi, mẹ tôi già rồi mà vẫn đau đáu với những vấn đề của xã hội.

Thực tế xảy ra quá nhiều câu chuyện như vậy. Tôi hiểu điều mẹ nói nhưng để làm được điều đó chẳng một chút dễ dàng. Nhưng đó là một thái độ sống không phải nghĩ đến là ta làm được trong một lần hay trong một ngày, mà đó là con đường đi hết cả cuộc đời. Điều quan trọng là lương tâm ta luôn hướng tới điều đó và cố gắng thực hiện./.

Quang Thiều