Tham dự diễn đàn có ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA); ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA HCM); ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cùng đông đảo các khách mời, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là một sự kiện quan trọng và ý nghĩa cho các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc cùng với Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về xây dựng đô thị thông minh cùng các giá trị văn hóa, hội tụ tại TP. Hồ Chí Minh. Với mục tiêu xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại; người dân có nếp sống văn minh và nghĩa tình, TP. Hồ Chí Minh sẽ chọn TP. Thủ Đức để triển khai các giải pháp ban đầu, qua đó, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Từ diễn đàn lần này, chính quyền TP. Hồ Chí Minh lắng nghe, chia sẻ về những thành công, kinh nghiệm của Hàn Quốc, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, thảo luận về những chương trình hợp tác cùng có lợi trong tương lai”.
Năm 2022, để kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam, hai nước đã tổ chức thành công hội nghị CICON Hà Nội 2022 với chủ đề “Triển vọng đô thị thông minh Việt Nam và Hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Việt Nam”. Trên cơ sở đó, năm nay, Hội nghị CICON HCMC 2023 với chủ đề “Xây dựng đô thị Thông minh - Văn hóa - Hội tụ” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu xây dựng mô hình thâm nhập thị trường kinh doanh và hợp tác liên quan đến đô thị thông minh và đô thị , văn hóa, Công nghiệp hội tụ.
Diễn đàn này sẽ giúp hai quốc gia mở rộng cơ hội tham gia vào lĩnh vực đô thị thông minh và ngành công nghiệp chuỗi khối, đồng thời xây dựng mạng lưới doanh nghiệp giữa Việt Nam - Hàn Quốc và cung cấp cơ hội đầu tư và kinh doanh online.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết: “Với chuyên đề xây dựng đô thị hiện đại, thông minh cùng các giá trị văn hóa hội tụ. Nội dung và ý tưởng của sự kiện này chứa đựng nhiều yếu tố tích cực cho mục tiêu của mọi đô thị có tiềm năng và là cơ hội cho các doanh nghiệp có thể hợp tác và phát triển. Do đó, HUBA đã phối hợp với KCS, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức sự kiện này”.
Ông Park Bong-gyu - Chủ tịch KCS chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi được tổ chức CICON HCMC 2023, một hội nghị hội tụ văn hóa đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, sau sự kiện CICON Hà Nội, được tổ chức để kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng hết sức để tổ chức sự kiện này hàng năm, nhằm đóng góp cho sự phát triển của các thành phố, văn hóa và sự hội tụ của các ngành công nghiệp giữa Hàn Quốc và Việt Nam”.
CICON HCMC 2023 bao gồm 12 phiên thảo luận về các phương hướng và chiến lược phát triển về Đô thị, Văn hóa và Công nghiệp. Đây sẽ là cơ hội đặc biệt để lắng nghe các ý kiến khác nhau từ các nhà lãnh đạo, các doanh nhân trong lĩnh vực đô thị, văn hóa và công nghiệp hội tụ, các học giả, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và giới tài chính về triển vọng phát triển của thành phố, văn hóa, công nghiệp hội tụ của Hàn Quốc và Việt Nam sau Covid 19.
Trong phiên thảo luận thứ 2, ông Kwon Young-geol - Chủ tịch Ủy ban Chính sách Kiến trúc Hàn Quốc đã có bài phát biểu về chủ đề “Ngành Công nghiệp đô thị”. Phiên thảo luận thứ 3 được xoay quanh chủ đề “Chiến lược cho Đô thị - Văn hóa - Công nghiệp hội tụ để hoàn thiện Đô thị thông minh xanh”, được điều hành bởi Ông Weissnio Toprak - Tổng quản lý LG CNS Smart Infrastructure & Smart City, và được thảo luận bởi ông Hwang Jong-seong - Chủ tịch Viện Xúc tiến Xã hội Thông tin Trí tuệ Hàn Quốc (NIA), ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hiội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA HCM), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED) Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Việt Nam đã có định hướng rất rõ ràng ở góc độ về chính sách, tầm nhìn đó là kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. 3 khái niệm được đặt cạnh nhau trở thành hội tụ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh không nằm ngoài xu hướng đó”.
Đặc biệt, trong phiên thảo luận thứ 4, ông Jonathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã có bài phát biểu về lĩnh vực văn hóa với chủ đề “Cơ hội tham gia cùng thành phố để phát triển văn hóa du lịch”. Trong phiên thứ 5, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quốc hội Hàn Quốc là diễn giả chính chia sẻ về lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Phiên thảo luận thứ 6 với chủ đề “Văn hóa và Công nghiệp hội tụ là tương lai”, được trình bày bởi Tổng Giám đốc Tập đoàn Altava Koo Jun-hoe và Giám đốc Văn phòng Kinh doanh Sáng tạo CJ ENM Oh Jin-se. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã có bài phát về ngành Công nghiệp hội tụ trong phiên họp thứ 7. Trong phiên thứ 8, đại biểu Quốc hội Yang Hyang-ja (Ủy viên quốc hội, Chủ tịch đặc biệt Ủy ban tăng cường năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp chất bán dẫn, nguyên Giám đốc Bộ phận kinh doanh bộ nhớ Công ty điện tử Samsung điện) đã có bài diễn văn về lĩnh vực Công nghiệp hội tụ với chủ đề “Khoa học công nghệ - Con đường trở thành quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng hàng đầu thế giới”.
Có thể khẳng định, qua diễn đàn này, với các ý kiến của các diễn giả là những nhà lãnh đạo, các doanh nhân trong lĩnh vực đô thị, văn hóa và công nghiệp hội tụ, các học giả, lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin và giới tài chính đã chia sẻ về phương hướng phát triển Đô thị thông minh, Đô thị Văn hóa Công nghiệp hội tụ chính là tiền đề cho TP. Hồ Chí Minh hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng đô thị thông minh trong thời gian tới.