TP. Hồ Chí Minh: Định hướng chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Ngày 26/4, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hội thảo do UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Công Thương và Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, các ngành Công nghiệp, sản phẩm chủ lực cần ưu tiên phát triển và đề xuất giải pháp thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp Thành phố trong bối cảnh mới.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hàng năm, Thành phố đóng góp gần 25% nguồn thu ngân sách và gần 22% GRDP của quốc gia.
Trong sự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và tỷ trọng đóng góp cao. Ngành Công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chiếm gần 20% GRDP của Thành phố, khoảng 30% sản lượng công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp trên 10% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.

1-1682521788.jpg
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố, ngành Công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc. Tốc độ phát triển công nghiệp của Thành phố tăng trưởng ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2015 - 2020 tăng trung bình 7,83%; cơ cấu giá trị gia tăng 4 ngành Công nghiệp trọng yếu trong toàn ngành Công nghiệp tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, 4 ngành Công nghiệp trọng yếu có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng các ngành sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu Công nghiệp.

Năm 2022, khi TP. Hồ Chí Minh kiểm soát tốt dịch Covid-19, ngành Công nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ, chỉ số IIP tăng 13,87% . Công nghiệp hiện nay là ngành tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, việc định hướng phát triển của Thành phố có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt cho sự phát triển công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thúc đẩy phát triển công nghiệp cả nước.

2-1682521820.jpg
Quảng cảnh Hội thảo

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đảng bộ và chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang thúc đẩy phát triển công nghiệp theo định hướng được xác định rõ tại Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI. Theo đó, đến năm 2030, công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đạt trình độ phát triển hiện đại, đạt giá trị gia tăng cao, đặc biệt là 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Tầm nhìn đến năm 2045, TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghiệp của cả nước và khu vực Đông Nam Á”.

“Để hiện thực hóa định hướng và các mục tiêu trên, Thành phố đang tập trung vào một số nhóm nội dung chiến lược như: Hỗ trợ phát triển các ngành Công nghiệp ưu tiên; Phát triển quỹ đất công nghiệp; Hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư; Hỗ trợ phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật; Phát triển thị trường; Xúc tiến thương mại; Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Liên kết vùng và phối hợp đề xuất cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp”, ông Võ Văn Hoan cho biết thêm.

“Việc giảm tỷ trọng trong cơ cấu công nghiệp cả nước thời kỳ 2011-2021 gắn liền với tốc độ tăng trưởng công nghiệp Thành phố chậm hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp cả nước. Giai đoạn 2011-2015 công nghiệp Thành phố tăng trưởng bình quân 5,87%/năm. Trong khi đó, công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,39%. Giai đoạn 2016-2021 công nghiệp Thành phố tăng trưởng 2,67%/năm, công nghiệp cả nước tăng trưởng 6,8%/năm, cả thời kỳ 2011-2021 công nghiệp Thành phố chỉ tăng 4,11%, công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,07%/năm. Đặc biệt, năm 2021 công nghiệp Thành phố giảm sâu trong khi cả nước tăng trưởng 4,47%/năm”, TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố nhấn mạnh:

“Sự chuyển dịch sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo hướng giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp cả nước phản ánh thực tiễn Thành phố không còn nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là nguồn lực đất đai. Ngoài ra, Thành phố chủ trương hạn chế thu hút những dự án đầu tư thuộc những ngành thâm dụng lao động phổ thông. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sản xuất các dự án sản xuất công nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh ra các tỉnh diễn ra trong những năm qua cũng góp phần giảm tỷ trọng ngành công nghiệp Thành phố so với cả nước”, TS Trương Minh Huy Vũ chia sẻ.

3-1682521866.jpg
Ông Bùi Đào Thái Trường - Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Roland Berger Đông Nam Á trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tuy nhiên, với mức độ gia nhập ngày càng sâu của Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung vào nền kinh tế thế giới cùng sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của ngành công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cần được xem xét một cách khoa học và toàn diện trong bối cảnh mới phù hợp với thực trạng công nghiệp của Thành phố, của Việt Nam và xu hướng phát triển của thế giới.

Tham luận tại Hội thảo, ông Bùi Đào Thái Trường - Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Roland Berger Đông Nam Á chia sẻ: "Trong bối cảnh liên kết vùng, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là hạt nhân cung cấp dịch vụ đô thị chất lượng cao và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại mà còn là mắc xích quan trọng góp phần lan tỏa phát triển công nghiệp công nghệ cao của vùng trong thời kỳ mới. Trong chu kỳ tăng trưởng mới, TP. Hồ Chí Minh cần nắm bắt các xu hướng sản xuất công nghiệp toàn cầu, nhằm lựa chọn các ngành công nghiệp mới phù hơp xu thế, đồng thời tận dụng nền tảng sẵn có. Từ đó, chiến lược phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh duy trì vị thế đầu tàu kinh tế vững chắc, mà còn giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiến nhanh hơn trong lộ trình chuyển đổi kinh tế bền vững”.

TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng Hội thảo mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận, trao đổi thông tin phục vụ cho việc xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững, có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, qua ý kiến tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học từ nhiều quốc gia, vùng miền và các ý kiến đề xuất cũng như các nội dung nghiên cứu, trong thời gian tới TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện các đề án và triển khai thực hiện có hiểu quả nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế TP. Hồ Chí Minh trước xu thế hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới./.

Đạm Quang Lê