Một phân tích đa mô hình dự báo các kịch bản khí hậu phụ thuộc vào các nỗ lực giảm thiểu phát thải trước và sau năm 2030 cho thấy, ngay cả kịch bản lạc quan nhất cũng không đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C.
Hầu hết các mô hình khí hậu tập trung vào một khái niệm được gọi là "dự báo ngược". Theo đó, báo cáo xác định nhiệt độ mục tiêu, chẳng hạn như mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C và các nỗ lực giảm thiểu cần thiết để đạt được chúng.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác việc giảm thiểu tác động khí hậu trong thế giới thực. Vì các nỗ lực có thể khác nhau tùy theo từng quốc gia, theo thời gian và tùy theo sự lựa chọn công cụ chính sách, chẳng hạn như việc định giá carbon.
Nhà khoa học cấp cao của CICERO, bà Ida Sognnaes và các đồng nghiệp sử dụng 7 mô hình đánh giá tổng hợp để dự báo về tác động của lượng khí phát thải CO2 với nhiệt độ toàn cầu. Hầu hết kịch bản dự đoán nhiệt độ lên toàn cầu sẽ tăng trung bình dưới 3 độ C vào năm 2100 (phạm vi trung bình là từ 2,2 - 2,9 độ C). Song các tác giả nhận định ngay cả kịch bản lạc quan nhất cũng không đủ để hạn chế sự nóng lên trên toàn cầu ở mức 2 độ C.
Trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), LHQ cho biết các chính sách hiện nay sẽ khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng trung bình 2,7 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp và đây là mức tăng "thảm họa". Tại Hội nghị COP26, LHQ nhận định các cam kết mới từ các "nước phát thải khí lớn" như Ấn Độ sẽ giúp hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C" hoặc 1,5 độ C./.