Sinh ra và lớn lên ở làng chài Nghi Thuỷ, chị Nguyễn Thị Mạnh (khối Thành Công, phường Nghi Thuỷ) có gần 40 năm gắn bó với bến cá này từ khi nơi đây chỉ là mỏm đất nhô cao bên bờ sông Cấm, trước cửa lạch để đón những chuyến thuyền. Từ khi lên 5, lên 6, chị đã theo mẹ ra bến cá đón thuyền của người thân đi biển về, vận chuyển cá tôm lên bờ để bán. Về sau, có gia đình riêng, nhà chị không đi biển nhưng chị vẫn gắn bó với bến cá với nghề mua cá tươi về nướng để nhập cho các mối sỉ. Chị Mạnh cho biết: “Đông cũng như hè, cứ đúng 4h sáng là có mặt ở bến. Thuyền cập bến, tôi lựa chọn những con cá tươi nhất, ngon nhất mang về sơ chế, nướng, hấp để bán lẻ ở các chợ. Bởi tự tay chọn cá, đảm bảo tươi ngon và mua được giá gốc nên mới có thêm đồng tiền lãi”.
Câu nói “lấy chồng làng biển hồn treo cột buồm” như vận vào chị Nguyễn Thị Thanh (khối Bình Minh, thị xã Cửa Lò). Chồng chị theo chủ tàu trong thuyền đi đánh cá, chị ở nhà, vừa chăm sóc cha mẹ già, chăm lo con cái học hành vừa kiếm thêm thu nhập từ nghề vận chuyển cá lên bờ. Từ 3h30 sáng, chị đã trở dậy lo cắm nồi cơm, hâm lại nồi cá kho để khi cả nhà thức giấc đã có sẵn bữa sáng. Ăn vội bát cơm, uống cốc chè vối còn nóng, mang theo can nhựa đựng nước vối, khoác chiếc áo lao động, bỏ vào giỏ xe đôi găng tay cao su, đôi ủng, chị đạp xe ra bến cá. Dựng xe ở góc cuối bến, chị xách “đồ nghề” ra bậc tam cấp lên xuống bến, nơi có sẵn các chị em đang ngồi đợi thuyền về. Bình nhựa đựng nước vối được chuyền tay nhau, mỗi người húp một ngụm. Chuyện nhà, chuyện học hành của con cái khi năm học vừa kết thúc cho đến chuyện xăng dầu “leo thang”, làm ăn ngày một khó… lúc sôi nổi, lúc chùng lại cứ thế tiếp nối cho đến khi thuyền cập bến.
Nhận ra bóng dáng người thân trên chiếc thuyền dưới ánh sáng bình minh vừa ló dạng, họ vội vã đứng dậy, mặc đồ lao động, đi găng tay, mang ủng và xách các sọt nhựa lần theo bậc tam cấp xuống bến. Họ bắt đầu công việc của mình một cách thuần thục, nhịp nhàng.
Một máng trượt bằng sắt được móc nối từ thuyền, cố định vào mớp đá, hai chị vội di chuyển theo máng lên tàu, phía dưới, hai người nữa, đứng hai bên máng. Và cứ cách 2 bậc tam cấp là một người đứng đối mặt so le nhau. Trên tàu, các thuyền viên cùng 2 ngời phụ nữ hỗ trợ nhanh chóng hốt cá vào các sọt nhựa, mỗi sọt ước chừng 10-15kg cá được bưng lên, đẩy vào máng trượt, phía dưới, hai người phụ nữ nhấc bổng sọt cá lên, chuyền tay cho những người đứng phía trên. Rất nhanh và gọn, khoảng 2 tiếng đồng hồ, toàn bộ hải sản trên khoang tàu được bốc dỡ, đưa vào bờ, chủ tàu cân bán cho các tiểu thương. Kết thúc công việc, mỗi người được trả công từ 100-150.000 đồng (tuỳ theo số lượng cá hôm đó nhiều hay ít).
Và trong sự ồn ã, chen chúc đó là những gương mặt đeo khẩu trang kín mít nhưng âm lượng thì không lẫn vào đâu được. Đó là những tiểu thương – những người buôn tôm, buôn cá. Họ là những phụ nữ ở Nghi Tân, Nghi Hương, Nghi Hải, Nghi Hoà… (Cửa Lò), Nghi Quang, Nghi Thiết, Khánh Hợp (Nghi Lộc) và cả những tiểu thương từ Hưng Hoà, Nghi Ân, Nghi Đức (TP. Vinh) hoặc Hưng Nguyên, Nam Đàn xuống.
5h sáng, thương lái và những chiếc xe máy cũ kỹ, hoen gỉ, được chế thêm các giá đỡ bằng sắt chắc chắn kèm theo nào sọt nhựa, nào thùng xốp, nào chậu nhôm, nào rổ tre… lủng lẳng có mặt ở bến. Khi cá vừa vận chuyển lên bờ, họ xúm vào, xem, chọn cá, cân và trả giá. Miệng đánh giá cá này tươi, cá kia ươn, loại này con to, mớ nọ con nhỏ, tay thoăn thoắt lựa cá và nhấc cả sọt đặt lên cân. “5kg, 200.000 đồng. Chốt nhé!”, vừa dứt lời, mớ cá bạc má được đổ ngay vào thùng xốp có lót đá lạnh từ trước, tay đếm tiền trả và cá được buộc lên xe.
Nhanh tay lựa thêm mớ tôm tít, mớ ghẹ sữa, chị Nguyễn Thị Phượng (phường Nghi Tân) oang oang: “Rứa là đủ hàng. Buổi sáng bán hết từng ni là ấm cật”. Qua cuộc trò chuyện nhanh, chị Phượng cho biết, chị là dân buôn hải sản các loại từ cá, tôm, cua, mực, ngao sò… ở chợ Hưng Dũng (TP. Vinh). Sáng sớm, lấy hàng xong là phi xe lên chợ. Có kinh nghiệm 30 năm bám nghề nên khi thuyền chưa cập bến, chị đã “đặt hàng” trước, chị luôn chọn được cá tươi, mực nháy, tôm ghẹ đang bơi, đang sống nên rất được khách hàng ưa chuộng. Hàng của chị lên đến chợ, dỡ hàng xuống là có người chờ mua, 9h sáng là đã hết hàng. Nhờ “buôn thúng, bán mẹt”, nhờ cái bến cá này mà chị nuôi được các con ăn học đàng hoàng, trưởng thành và có việc làm ổn định. Giờ, đối với chị áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” không còn đè nặng nữa nhưng còn sức khoẻ là còn làm, bởi bến cá này đã gắn bó với chị hơn nửa đời người.
Trong cái ồn ã của hàng tôm, hàng cá buổi sớm mai, trong những âm thanh bon chen của phiên chợ sáng diễn ra gấp gáp trên bến cá còn là những bà, những chị gánh cá thuê. Đôi quang gánh kẽo kẹt bởi những thúng cá nặng trĩu, chiếc đòn gánh đã óng lên màu thời gian, những đôi vai như oằn thấp xuống theo nhịp chân đi.
Sự vất vả hằn lên trên khuôn mặt đầy vết chân chim. Ở đó, tôi cũng bắt gặp những chị trung tuổi, hai tay bưng những mớ hải sản chào mời du khách bằng giọng biển nằng nặng, mắt lấp lánh niềm vui khi có người hỏi mua. Ở đó, tôi cũng bắt gặp những người đàn bà lầm lũi, nhặt nhạnh những con cá dập đầu, nứt thân; những con tôm bị ươn, những con ghẹ bị dập nát… gom bán cho những người thu mua về làm thức ăn gia súc. Những đồng tiền lẻ được gom nhặt từ chính mồ hôi mặn mòi, sự lam lũ đến đáng thương.
Sáng sáng, trên bến cá, vẫn là sự tấp nập thường nhật, vẫn là bóng dáng những người phụ nữ, những “thân cò” lặn lội sớm hôm, bươn chải mưu sinh, gồng gánh cuộc sống. Cuộc đời họ, thân phận họ gắn với bến cá này như một mối lương duyên…