Chuyện kể về cố nhà văn Cao Linh Quân qua ngòi bút của nhà thơ Lê Khánh Mai

Trải qua giai đoạn cuộc sống khó khăn, nhưng ảnh hưởng từ cố nhà văn Cao Linh Quân đã giúp gia đình nhà thơ Lê Khánh Mai có thêm nghị lực để vượt qua những gian truân của cuộc đời.
20190724-143113-1024x685-1695643651.jpg
Nhà thơ Lê Khánh Mai.

Bằng những câu chuyện kể về cuộc sống, công chúng hiểu hơn về sức ảnh hưởng của cố nhà văn Cao Linh Quân tới nghị lực của nhà thơ Lê Khánh Mai để vượt qua những vất vả, sóng gió trong cuộc đời.

Nhà thơ Lê Khánh Mai kể...

Thuở hàn vi, vợ chồng tôi kiếm sống bằng cả nghề chính lẫn nghề mọn gồm dạy học chính khóa, dạy bổ túc văn hóa ban đêm, tiết tin, bài về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cộng tác với vài tờ báo địa phương. Rồi xâu những con ốc nhỏ màu sắc rực rỡ thành chuỗi hạt theo đặt hàng của công ty mỹ nghệ, cắt dán bìa cacton làm ống sợi cho nhà máy dệt, đan lá buông cho hợp tác xã thủ công, Làm một số loại bánh gửi các quầy bán lẻ…

Sau này, khi tạo được uy tín nghề nghiệp, tôi mở lớp luyện thi đại học môn Ngữ Văn tại nhà riêng, cuộc sống gia đình đã dần dần vượt qua được cái thời khốn khó.

Dạo ấy, sau giờ lên lớp, tôi tranh thủ làm bánh chưng, bánh ú, gửi cho chị An, vợ của một nhân viên Giám sát thị trường và cũng là hàng xóm thân thiết của gia đình tôi. Chị có cái quán nhỏ phía ngoài hàng rào, bên hông sân sau của trường. Đây là nơi học sinh tụ tập mua đồ ăn vặt vào sáng sớm và giờ ra chơi ca sáng và ca chiều. Mỗi ngày tôi gói 100 chiếc bánh, mỗi chiếc vừa với một khẩu phần ăn sáng. Tôi và chị An thỏa thuận: Chị được hưởng 10% tổng số tiền bán được. Cuối ngày nếu dư bao nhiêu bánh tôi lấy về nhà ăn thay bữa chiều. Rồi tôi lại gói những chiếc bánh mới gửi chị bán tiếp. Cũng may, hầu như ngày nào cũng bán hết nên tôi tạm yên tâm về khoản tiền chợ.

Một hôm, nhà văn Cao Linh Quân đến chơi nhà đúng lúc tôi đang hì hụi gói bánh. Ông chăm chú nhìn tôi gói những chiếc bánh nhỏ, ánh mắt dâng lên niềm thương cảm. Tôi vội quay đi tránh cái nhìn ấy. Tôi sợ phải chứng kiến giọt nước mắt rơi ra từ đôi mắt ông và tôi sẽ òa khóc. Ông hỏi: “Em kiếm được bao nhiêu tiền, mất bao nhiêu thời gian vào việc này?’. Rồi ông mách tôi cách làm một loại bánh khác không lo ế, không bị ôi thiu như bánh chưng, bánh ú và chỉ cần mỗi tuần làm bánh một lần, tiết kiệm được thời gian hơn.

Đó là bánh kẹp, làm bằng chất liệu bột mì pha đường có chút màu thực phẩm xanh, đỏ, tím, vàng, sạch sẽ, bắt mắt trẻ con và dễ dùng. Làm loại bánh này cần có một cái khuôn sắt chuyên dụng. Ông nói, cái khuôn này hơi khó mua, phải nhờ mấy bà đồng nát tìm giùm. Rồi ông hứa sẽ mua giúp vì hiện nay vợ chồng ông cũng đang “sản xuất” bánh kẹp.

Năm ngày sau, nhà văn Cao Linh Quân mang đến tặng tôi cái khuôn bánh và ông trực tiếp hướng dẫn cách làm nguyên liệu, cách nướng bánh. Cái khuôn gồm hai miếng sắt dày, hình chiếc đĩa tròn nối với nhau bằng chiếc bản lề. Khi làm bánh, đổ bột đã pha chế vào một đĩa sắt, đậy chiếc nắp kia lại rồi nướng trên lò mùn cưa, lật đi trở lại chừng hai phút là xong một chiếc bánh, thật là nhanh chóng, tiện lợi. Ông giảng giải tỉ mỉ và thao tác một cách “chuyên nghiệp” khiến tôi cảm động, thương quý ông vô cùng. Trái tim tôi nhói lên một nỗi xót xa, không biết trên thế giới này có nhà văn ở nước nào như nhà văn ở nước mình không?

Những ngày sau đó, vào chủ nhật hàng tuần vợ chồng tôi, mỗi người một xe đạp, một bao tải xuống xưởng cưa Vĩnh Trường mua mùn cưa về làm bánh kẹp. Những chiếc bánh màu hồng nhạt, xanh phớt, vàng mơ được làm ra trong ròng ròng mồ hôi bên cái lò mùn cưa nóng rực giữa mùa hè nắng gắt, đem niềm vui đến cho gia đình và trẻ nhỏ một thời đói kém.

Nhà văn Cao Linh Quân là giảng viên Văn học, đồng nghiệp của chồng tôi ở Khoa Ngữ Văn, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Hồi đó, khi vợ chồng tôi bắt đầu tập tành sáng tác văn thơ thì ông đã là một nhà văn thành danh. Ông mang cuốn tiểu thuyết “Sự im lặng của đất” của ông mới xuất bản còn thơm mùi mực in tặng vợ chồng tôi. Cuốn sách phản ánh thực trạng trì trệ với nhiều bất cập của môi trường giáo dục, phơi bày cuộc sống nhếch nhác, cùn mòn, thảm hại của nhà giáo thời ấy. Ông cũng là tác giả của hàng chục tiểu thuyết, truyện ngắn với bút pháp hiện thực thấm thía bao nỗi đời đắng cay chua xót mà cũng đầy nhân ái, cảm thông.

Cũng thời gian ấy, nhà văn Cao Linh Quân thường ghé thăm gia đình tôi tặng sách của ông mới xuất bản, hoặc tác phẩm của các nhà văn thế giới mà ông yêu thích. Trong đó có tập thơ “Lời Dâng” của nhà thơ Rabindranath Tagor người Ấn Độ, Giải Nobel Văn học năm 1913. Món quà quý giá ấy đã thắp lên trong tôi Khát vọng và niềm đam mê sáng tác thơ văn đến tận bây giờ. Năm 1954, nhà văn Cao Linh Quân quê ở Thừa Thiên Huế, tập kết ra miền Bắc từng có nhiều năm dạy học ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh những năm chiến tranh ác liệt. Sau ngày thống nhất đất nước ông đưa vợ con về Nha Trang dạy học. Ông có 2 người con trai đều là kiến trúc sư thành đạt.

Những năm tháng cuối đời, nhà văn Cao Linh Quân sống bình dị, có phần lập dị. Ra khỏi nhà ông hay quên đường về, có khi đi lạc đến tối mịt, vợ ông phải đi tìm. Ông thường dắt bộ xe đạp đi loanh quanh trong chợ nhưng chẳng mua gì, hoặc ghé trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ngồi chơi, đôi khi kể những câu chuyện đâu đâu xa lắc, xa lơ, nhưng nếu ta chăm chú lắng nghe, sẽ nhận ra ông đang nói về cuộc đời với bao nỗi niềm yêu thương và chua xót nhiều u uẩn.

Giờ đây nhà văn Cao Linh Quân đã về với tổ tiên, nhưng tấm lòng của ông ở lại với đời. Với gia đình tôi, ông là một ân nhân, bởi ông đã truyền cho chúng tôi nghị lực sống để vượt qua những đoạn đường gian truân của đời mình. Cảm ơn nhà văn. Cảm ơn thời gian khó./.

Lê Khánh Mai