Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội

Chính sách thuế quan, tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Quy định chống phá rừng... là những thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp thi gia nhập thị trường toàn cầu. Từ thực tế đó, các chuyên nhận định để hóa giải điều này, lựa chọn then chốt với doanh nghiệp là chuyển đổi xanh.
doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-1-1747191423.jpg
Chuyển đổi xanh là một yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện, nếu không sẽ có thể bị loại khỏi thị trường.(Ảnh minh họa)

Chuyển đổi xanh là một yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện

Hiện nay, châu Âu và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều quy định mới liên quan đến phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại thị trường EU, hai quy định quan trọng liên quan đến yếu tố xanh là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Quy định chống phá rừng (EUDR) đang tác động đến nhiều ngành. Bên cạnh đó, các yêu cầu về kinh tế tuần hoàn và kiểm soát chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn cũng đang ngày càng được siết chặt.

Chia sẻ điều này tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh” mới đây, đại diện Viện Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường) nhấn mạnh đến những thách thức liên quan CBAM, quy định chống phá rừng; Chỉ thị báo cáo phát triển bền vững và Chỉ thị về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp... có thể tác động đến việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Vì vậy, chuyển đổi xanh là một yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện, nếu không sẽ có thể bị loại khỏi thị trường. Tuy nhiên, thuế carbon và các quy định thương mại xanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, dễ dàng tiếp cận và mở rộng thị trường.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn đang dừng ở câu chuyện của các doanh nghiệp lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, với thực trạng hiện nay khi khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thì SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu cơ chế rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi.

doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-2-1747191398.jpg
Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức.(Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, khi chuyển đổi xanh, chúng ta tạo ra được một cách thức mới để có thể hấp thụ được vốn. Nhờ sự chuyển đổi đó thì chúng ta thu hút được vốn để tạo ra nguồn lực tăng trưởng, chứ không phải chúng ta đi huy động vốn để chuyển đổi xanh. Nguồn vốn cho chuyển đổi xanh rất nhiều nhưng chúng ta không hấp thụ được vì chúng ta hiểu ngược. Tức là chúng ta đi tìm nguồn vốn để chuyển đổi xanh và đáp ứng các tiêu chuẩn.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, việc thiếu khung tiêu chí, thiếu hướng dẫn cụ thể, cùng sự chồng chéo giữa các bộ ngành và chính sách hỗ trợ rời rạc khiến doanh nghiệp lúng túng, không biết phải làm đến đâu là “đủ chuẩn”, trở thành “lực cản” cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chuyển đổi xanh không thể là cuộc chơi đơn độc của doanh nghiệp. Nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, khối tư nhân, tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và cộng đồng xã hội.

Còn Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt, Giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chính sách của chúng ta cần phải đi vào thực tiễn cuộc sống, đi vào hơi thở của doanh nghiệp, đi từ sản xuất đến tiêu dùng có trách nhiệm. Vì đồng tiền của chúng ta có hạn nên ta cần tập trung, trọng tâm trọng điểm chứ không nên dàn trải. Nếu dàn trải thì mỗi bộ phận như một củ khoai, mỗi địa phương như một thánh địa, mỗi đơn vị là một phần nhỏ về hỗ trợ chính sách và thực hành chính sách. Vì vậy, chúng ta cần sự đồng bộ về chính sách hơn.

Cần chủ động xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn cho mục tiêu phát triển bền vững

Theo khảo sát từ các hiệp hội và tổ chức phát triển, phần lớn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp – hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù nhận thức về phát triển bền vững đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, song việc triển khai các chiến lược chuyển đổi xanh một cách bài bản và đồng bộ còn chưa tương xứng. Những nút thắt chủ yếu bao gồm: thiếu hụt nguồn vốn đầu tư ban đầu; khó khăn trong tiếp cận công nghệ xanh phù hợp; hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu thông tin cập nhật; và đặc biệt là sự chưa đồng bộ trong hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Đáng lưu ý, hiện nay vẫn còn thiếu các quy định rõ ràng về tiêu chí và phân loại hoạt động xanh, cũng như một khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường carbon và chứng chỉ xanh. Những hạn chế này đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong xây dựng kế hoạch, định hướng chiến lược và tiếp cận các nguồn tài chính xanh.

doanh-nghiep-chuyen-doi-xanh-3-1747191491.jpg
Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đã triển khai thành công các sáng kiến chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa)

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển cho biết, trên thực tế, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đã triển khai thành công các sáng kiến chuyển đổi xanh. Đến năm 2022, có tới 80% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch tích hợp tiêu chí ESG vào chiến lược phát triển. Đặc biệt, trong ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn, sử dụng sợi tái chế, năng lượng mặt trời và nền tảng blockchain để truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, mức độ triển khai trên diện rộng còn hạn chế. Khoảng cách giữa nhận thức và hành động vẫn còn khá lớn, mức độ sẵn sàng tham gia chuyển đổi xanh còn thấp. Đáng chú ý, phần lớn doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo phân tích của các chuyên gia, để quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp diễn ra hiệu quả và thực chất, cần khẩn trương thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó, các tổ chức tín dụng tăng cường nguồn vốn cho vay đối với những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi xanh. 

Các Bộ, ngành, địa phương, cần tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ tại địa phương, hỗ trợ bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động thực hành quản trị xanh, hướng tới việc tạo ra các sản phẩm có tác động đến xã hội cũng như môi trường.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tiếp cận nguồn tín dụng xanh từ các định chế tài chính trong nước và quốc tế. Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt đổi mới tư duy, chủ động tìm kiếm các nguồn tài chính xanh trên thị trường./.

Trọng Bình