Chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo đà giúp nông dân đón vận hội mới

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Tuyên Quang, trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng, từ khâu tiếp cận KHKT, quản lý quy trình sản xuất đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
a1-1657963018.jpg
Sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đã lên sàn thương mại điện tử Postmart

Cùng với sự giúp đỡ của các cấp, các ban ngành, các sản phẩm của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang đã đưa lên các sàn giao dịch, sàn TMĐT như ocop.snntuyenquang.gov.vn, postmart.vn hay voso.vn, giúp quảng bá sản phẩm của HTX đến với người tiêu dùng khắp cả nước. Từ đầu năm đến nay, đã có 20% sản lượng chè của HTX được tiêu thụ qua sàn TMĐT.

Được biết, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT lớn hơn như alibaba.com để tăng doanh số bán hàng.  Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Cà gai leo, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương chia sẻ, để sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, anh đã bán sản phẩm qua Zalo, Facebook, đồng thời, lập riêng một Website cagaileohophoa.com để tiện cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Thay vì mang ra chợ bán cho thương lái, hiện nay anh chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet là có thể đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Từ việc HTX Cà gai leo Hợp Hòa ứng dụng chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp, HTX nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như sản phẩm Chuối sấy giòn đạt OCOP 4 sao của HTX An Quang ở tổ dân phố Thịnh Tiến, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương.

a2-1657963018.jpg
Mật ong Tuyên Quang thành sản phẩm OCOP

Theo đó, đơn vị này đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ số để sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP lên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội Zalo, Facebook... Nhờ đó, sản phẩm Chuối sấy giòn không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn được xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Malaysia.

Toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp, HTX đã đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn TMĐT. Nhiều sản phẩm OCOP như: chè, cam, bưởi, mật ong, gạo, mỳ khô... đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn TMĐT, được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến.

Việc ứng dụng số trong phát triển nông nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm Chương trình OCOP, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao, đây là tiềm năng lớn khẳng định thương hiệu, chất lượng nông sản của Tuyên Quang. Năm 2022, tỉnh phấn đấu phát triển mới 51 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; nâng hạng sao cho 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

a3-1657963018.jpg
Gian trưng bày bán giới thiệu các sản phẩm nông sản sạch và OCOP tỉnh Tuyên Quang

Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng cho sản phẩm đã được công nhận; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; phấn đấu 30% sản lượng nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp (đã có tài khoản bán hàng/gian hàng) được tiêu thụ qua sàn và 70% số hộ được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số.

Đại diện lãnh đạo Sở NN - PTNT Tuyên Quang cho biết, chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2025, 100% số hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí có tài khoản bán hàng, gian hàng trên sàn TMĐT, triển khai thanh toán điện tử trên sàn TMĐT; 50% sản lượng nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp được tiêu thụ qua sàn TMĐT đối với các loại nông sản trong cao điểm thu hoạch của tỉnh...

Rõ ràng, việc tiêu thụ sản phẩm trên các sàn TMĐT có rất nhiều mối quan tâm cần phải giải quyết. Để hoàn thành mục tiêu trên, các cấp, ngành và doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất phải “chuyển động”, chuyển đổi số từ tư duy, nhận thức đến hành động, tạo nền tảng phát triển kinh tế số nông nghiệp bền vững, bắt kịp với xu thế của thời đại.