Chuyện đời, nỗi đau chẳng nói thành lời

Thấy chồng lục cục sắp sắp xếp xếp đồ cả buổi tối. Sắp cái này xếp cái nọ rồi lại lấy ra, gãi đầu ra chiều suy nghĩ ghê lắm! Bà hỏi: - Ông đi đâu sớm hay sao?
d9b3c4c512d3de8d87c2-16445682722541487957847-1644729069.jpg
Minh họa

 - Tao đi đâu là quyền của tao, mày lại muốn mua chửi sao? Bà im lặng mà trong lòng đau như có ai sát muối. Đã gần đất xa trời, mà sao đời bà lại nhục như thế này cơ chứ...

Ông hơn bà ba tuổi vào cái thời của bài thơ Núi đôi đang thịnh và được ưa thích... ông cũng đi bộ đội và bà ở nhà ruộng vườn, chăm sóc Bố mẹ chồng, nuôi con ăn học. Mỗi năm hay vài năm ông về phép và mỗi lần lại... tòi ra một đứa. Năm đứa cả thảy, một mình bà nuôi nấng dạy dỗ nên người. Các con của bà học hành đàng hoàng và đều có công ăn việc làm ổn định. Cái chính là còn được mang cái mác: CON ÔNG ĐẠI TÁ QUÂN ĐỘI! Oai lắm chứ, tự hào lắm chứ...

Ông nghỉ hưu và có lương hưu hơn cả chục triệu, tiếng nói oang oang vang vọng đầy uy quyền. Ông nói là đúng, ông lên tiếng là phải chấp hành không bàn cãi. Còn bà không có gì cả, chỉ là một bà lão nông dân già lưng còng mắt mờ.  Nhưng được cái con cái dâu rể, cháu nội, cháu ngoại coi BÀ LÀ BÁU VẬT VÔ GIÁ KHÔNG GÌ SO SÁNH ĐƯỢC. Đó là động lực để Bà tồn tại và sống tiếp trên cõi đời này!

Khổ thân bà, đến giờ phút này mà bà vẫn coi ông là người đáng kính nhất, ông là tình yêu đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời bà. Khi ông đang trong quân ngũ chiến tranh ác liệt, bà lo lắng và thấp thỏm không nguôi. Thắng lợi ông vẫn trong quân đội chỉ huy binh lính mới làm nhiệm vụ nơi xa, bà lo cho ông vất vả.

Vài ngày phép hay vài ngày nghỉ về nhà... ông lại được bà chăm sóc chu đáo như Vương như Tướng, ông có coi bà ra gì đâu? Ông xấu hổ với hình hài còm cõi chân lấm tay bùn, người toàn mùi cám lợn, phân gà, phân trâu, cỏ rả... của bà.

Ông về ông đóng bộ "dạ tá" oai phong gặp người này người nọ luận về đạo đức, thuyết giảng binh lược thật hào hùng. Các con ông sợ ông một phép và... chưa được Bố hỏi học hành thế nào? Nhưng chỉ nghe ông dạy phải sống đúng với quy tắc: Con nhà binh có kỷ luật nghiêm khắc tuyệt đối...

Năm đứa con ba trai hai gái vẫn sống tốt, học tập giỏi giang để trả ơn công sinh thành dưỡng dục của Mẹ và của Bố. Chúng thương Mẹ vất vả, chúng tôn trọng Bố vì Bố là cây cao bóng cả. Chúng đã làm thật tốt vai trò của mình... Khi Bố nghỉ hưu, chứng kiến sự đau lòng cách đối xử của Bố đối với Mẹ. Mấy anh chị em họp lại quyết định đưa Mẹ đi về nhà anh cả, viện lý do chăm cháu.

Nhưng người chối từ lại là bà, nếu bà đi ai nấu cho ông ăn? Ai giặt quần áo cho ông…? bà không thể xa ông... Các con đều rớt nước mắt khi nghe Mẹ nói như vậy. Riêng Bố, không đứa nào dám lên tiếng vì... những điệp khúc không thể nào chịu đựng nổi. Vì danh, vì dự: IM LẶNG ĐỂ BÌNH AN!!!

Những ai đã từng sống trong một gia đình như thế, sẽ hiểu được nỗi buồn đau khắc khoải không lối thoát của người đàn bà Việt nam chịu thương chịu khó, đến cuối cuộc đời vẫn phải cam chịu thiệt thòi. Số phận hay là định mệnh? Hay bởi vì đâu?./.

Huỳnh Minh Hằng