Chuyển dịch năng lượng cần đột phá từ chính sách phát triển Hydrogen Xanh

Sản xuất Hydrogen Xanh từ điện gió ngoài khơi là giải pháp tối ưu đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong chuyển dịch năng lượng. Để hydrogen sạch có thể phát triển và dần hoàn thiện tại Việt Nam, việc thực thi các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là cần thiết nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của các nguồn Hydrogen sạch.
nang-luong-sach-03-1707898007.jpg
Hydrogen đã được thế giới đánh giá là nguồn năng lượng sạch và không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng. (Ảnh minh họa)

Hydrogen là nguồn năng lượng sạch không thể thiếu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, trên thế giới, Hydrogen đã được nhìn nhận là nguồn năng lượng sạch, không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về Hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp Hydrogen.

Đặc biệt, EU đặt mục tiêu sản xuất Hydrogen Xanh chiếm từ 13 đến 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050 trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đặt mục tiêu phát triển hydrogen sạch, bao gồm Hydrogen Xanh và Hydrogen lam chiếm lần lượt 10% và 33% trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050.

Tại Việt Nam, định hướng phát triển năng lượng hydrogen đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với định hướng này, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.

nang-luong-sach-01-1707898045.jpg
Sản xuất Hydrogen Xanh từ điện gió ngoài khơi là giải pháp tối ưu trong chuyển dịch năng lượng. (Ảnh minh họa)

Theo Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất năng lượng Hydrogen và các nhiên liệu có nguồn gốc Hydrogen tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, gần với khách hàng tiêu thụ lớn để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen đồng bộ từ sản xuất đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen; phấn đấu sản lượng hydrogen sản xuất từ các quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh; quá trình khác có thu giữ carbon đạt 100-500 nghìn tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10-20 triệu tấn vào năm 2050.

Dự thảo cũng đề xuất định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, sử dụng và cơ sở hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen, trong đó phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác đạt khoảng 100-500.000 tấn/năm vào năm 2030; định hướng đến năm 2050 đẩy mạnh triển khai áp dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất, sử dụng năng lượng Hydrogen Xanh tại Việt Nam.

Sớm có chính sách phát triển Hydrogen sạch

Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), cho đến năm 2025, chi phí sản xuất hydrogen sạch (bao gồm Hydrogen lam và Hydrogen Xanh) vẫn rất cao. Cụ thể, chi phí sản xuất Hydrogen lam và Hydrogen Xanh tại Việt Nam vẫn cao gấp lần lượt 1,3 và 2,1 lần so với hydrogen xám (hydro được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên hoặc than đá, chiếm khoảng 95% lượng hydro được sản xuất trên thế giới).

Vì vậy, để hydrogen sạch có thể phát triển và dần hoàn thiện tại Việt Nam, việc thực thi các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là cần thiết nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của các nguồn Hydrogen sạch.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ cho phát triển hydrogen cần theo hướng giảm rủi ro với nhà đầu tư từ việc đưa Hydrogen vào quy hoạch năng lượng quốc gia để tạo ra khung cơ sở pháp lý và danh mục ưu tiên cho các dự án phát triển Hydrogen và các lĩnh vực liên quan; thực thi các chính sách thuế suất ưu đãi; phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định an toàn, đảm bảo phát triển đồng bộ chuỗi giá trị Hydrogen.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho phát triển hydrogen cần tạo ra nhu cầu sử dụng Hydrogen trong nền kinh tế quốc gia như: Hỗ trợ tài chính với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chuỗi giá trị hydrogen; áp dụng thuế CO2 để tăng sức cạnh tranh cho Hydrogen sạch...

nang-luong-sach-04-1707898083.jpg
Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo phong phú giúp việc chuyển dịch diễn ra nhanh hơn.(Ảnh minh họa)

Tại Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen Xanh tại Việt Nam” diễn ra vào cuối năm 2023, đã có những chia sẻ thẳng thắn về xu hướng phát triển năng lượng Hydrogen Xanh trên toàn cầu, đánh giá những tiềm năng và yêu cầu đối với thị trường Việt Nam. Tại Diễn đàn đã có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp, chính sách để Việt Nam từng bước hiện thực hóa quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nội dung quy hoạch năng lượng Hydrogen Xanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Hydrogen Xanh đã nổi lên như một giải pháp nổi bật trong tiến trình theo đuổi một “tương lai xanh.”

“Đây là giải pháp hứa hẹn mang lại cho các nước đang phát triển; trong đó có Việt Nam, nâng cao giá trị của năng lượng tái tạo, áp dụng vào nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh và trong cả đời sống xã hội hằng ngày. Phát triển Hydrogen Xanh được xem là cấp thiết trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các vấn đề chính: “Xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng - Xu hướng công nghệ và xu hướng đầu tư,” “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nội dung quy hoạch năng lượng Hydrogen Xanh,” “Tiềm năng và yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu Hydrogen Xanh tại Việt Nam,” “Mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình: từ khai khoáng bền vững tới sản xuất xanh, thông minh; tầm nhìn 2050: Net Zero và thương mại hóa trên toàn cầu sản phẩm pin sạc nhanh có thành phần vonfram cho xe điện EV”…

Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển lĩnh vực năng lượng Hydrogen Xanh tại Việt Nam, đặt nền tảng để các bên hợp tác, cùng nghiên cứu và triển khai các dự án về năng lượng và các mô hình kinh doanh xanh, đồng thời nghiên cứu và phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và biến đổi khí hậu./.

Trọng Bình